Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Lần này, theo tờ trình, Chính phủ đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức trần 4.000 đồng/lít thay vì 3.000 đồng như hiện nay.
Các loại sản phẩm xăng dầu khác như dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn cũng được đề nghị tăng lên mức trần là 2.000 đồng, tăng từ 500 – 1.700 đồng/lít tùy loại.
Riêng đối với dầu hỏa, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Thủ tướng cho điều chỉnh mức tăng mức thuế từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít thay vì mức 2.000 đồng như đề xuất trước đó.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường như tờ trình thì việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%.
Tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần tăng thu ngân sách khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc.
Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp đề nghị các thành viên Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các nội dung Nghị quyết. Tuy nhiên, trước các ý kiến còn khác nhau trong các thành viên của Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định Thường vụ Quốc hội sẽ không biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên họp này.
"Tôi đề nghị chúng ta dừng thảo luận ở đây và chưa biểu quyết thông qua Nghị quyết này vì hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nếu biểu quyết sẽ không tập trung. Chúng ta có thể tăng thu thêm vài ngàn tỉ trong mấy tháng cuối năm nhưng chưa biết tình hình sẽ diễn biến như thế nào", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận