Biên đạo múa Tuyết Minh hướng dẫn vở diễn |
Mặc dù tháng 9 vở diễn mới chính thức công diễn, nhưng sự đa dạng về ngôn ngữ nghệ thuật của vở Úm Bala khiến công chúng tò mò, háo hức.
Nghệ thuật tổng hợp mới lạ
Những ngày này, sân khấu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐXVN) liên tục sáng đèn để tập luyện vở diễn mang tên Úm Bala sắp ra mắt. Đây là vở diễn nghệ thuật tổng hợp khá mới lạ ở Việt Nam, mở đầu dự án sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đương đại do biên đạo múa Tuyết Minh lên ý tưởng và đạo diễn. Về cái tên Úm Bala, biên đạo múa Tuyết Minh cho biết ,đây là câu thần chú để mọi người giải mã và khám phá, sẽ có những điều ngạc nhiên đằng sau câu thần chú này.
Vở diễn có 10 màn với nội dung câu chuyện mang hơi hướng giả tưởng, dẫn dắt khán giả đến với thế giới cổ tích của cậu bé rừng xanh, nàng tiên hắc ám… Toàn bộ diễn viên tham gia vở diễn là các nghệ sĩ xiếc từng đoạt nhiều giải thưởng của Đoàn xiếc II - LLĐXVN và những thí sinh bước ra từ cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy và nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí.
Úm Bala bắt đầu công diễn từ tháng 9 và sẽ được thực hiện ở nhiều địa điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng… |
Theo đó, mỗi màn sẽ có những nhân vật đặc biệt để làm điểm nhấn như: Cậu bé ảo tưởng trong màn 1, cậu bé rừng xanh hòa mình với thiên nhiên trong màn 2 hay sự kỳ bí, bí hiểm trong màn 3… Trong mỗi màn đều sử dụng những phong cách múa đương đại khác nhau như: Ballet, hip hop, jazz, điệu múa thổ dân, hoang dã, nghệ thuật xiếc. Đặc biệt, đạo diễn Tuyết Minh tiết lộ, chị không muốn các cảnh trí chỉ là đạo cụ, nó còn cấu thành ngôn ngữ nghệ thuật. Do đó, mỗi đạo cụ xuất hiện trong vở diễn đều có giá trị tác động cùng để giúp diễn viên thực hiện hoạt cảnh.
Thực tế, việc kết hợp giữa nhảy múa, xiếc và nghệ thuật sắp đặt vốn đã có trong vở Ionah Show tại Hà Nội. Bởi thế, ngay khi thông tin về Úm Bala xuất hiện, nhiều người đã nghĩ đây chỉ là một phiên bản khác của Ionah Show. Biên đạo múa Tuyết Minh khẳng định, Ionah Show là một bản sao của nghệ thuật Cirque du Soleil trên thế giới. Nghệ thuật là sự học hỏi lẫn nhau để có tiếng nói chung. “Tôi thích phong cách và kiểu sáng tạo của Cirque du Soleil. Khi kết hợp xiếc và múa trong vở này, tôi cũng phải tham khảo những cái đẹp, phong cách và kiểu sáng tạo của họ. Chúng ta chưa đạt được sự giàu có về kinh tế, vật chất như họ nhưng nhân tài thì mình không thiếu”, biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ.
Dù không tiết lộ nhưng được biết, toàn bộ kinh phí cho vở diễn do chính biên đạo múa Tuyết Minh đầu tư. Trong đó, riêng phần âm nhạc được nhạc sĩ Hồ Vũ Hiếu thực hiện miễn phí như một món quà dành tặng cho các diễn viên và con gái mới sinh của mình.
Nhiều khó khăn khi kết hợp nghệ thuật
Mỗi loại hình nghệ thuật luôn có những nguyên tắc riêng mà nghệ sĩ phải tuân theo để có thể thực hiện được trọn vẹn và chính xác tiết mục. Như nhảy múa buộc phải nắm bắt được nhịp, nhạc để di chuyển với những động tác dứt khoát, chi tiết theo từng nhịp hay xiếc là kỹ xảo, luôn cần nguyên tắc riêng cho mỗi màn biểu diễn để đảm bảo an toàn… Do đó, sự kết hợp giữa xiếc và nhảy múa cùng nghệ thuật sắp đặt trở nên khó khăn hơn nhiều để đảm bảo sự an toàn cho các diễn viên khi thực hiện những động tác khó. Để làm được điều này, ê-kíp phải mất nhiều tháng nghiên cứu và chuẩn bị đạo cụ chắc chắn. Các diễn viên xiếc cũng phải tập luyện với lịch tập liên tục để đảm bảo sự dẻo dai, thuần thục.
Diễn viên Thu Hường (LĐXVN) tiết lộ, chị phải tập với tần suất khoảng 12 tiếng/ngày. Thu Hường đóng 4 vai khác nhau nên không chỉ về kỹ thuật múa mà cả thần thái, cảm xúc cũng bị tác động liên tục dù trước đó, chị đã từng tiếp xúc và trải nghiệm sự kết hợp này khi tham gia vở Sông trăng của LĐXVN. “Xiếc cần sự gân guốc, trong khi múa lại cần sự uyển chuyển, mượt mà trong tạo dáng - những điều vốn trong nghệ thuật xiếc khá kỵ. Bởi thế, chúng tôi luôn phải điều hòa và nỗ lực tập luyện để ra được những điều mà đạo diễn mong muốn. Về cơ bản, các động tác chúng tôi đã có cơ sở vì tập luyện hàng ngày, chỉ cần chú ý thần thái gương mặt là chính”, Thu Hường tâm sự.
Đây cũng là những khó khăn mà Nguyễn Hoàng Minh Thông, một trong những biên đạo Úm Bala gặp phải. Theo Minh Thông, vở diễn này tương đối mới ở Việt Nam khi kết hợp đa thể loại hip hop, jazz, xiếc… nên có nhiều sự sáng tạo, mới lạ và có nhiều thứ để xem. Những động tác trong vở đều lấy ý tưởng từ sự liên tưởng thực tế. Đơn cử, xiếc trên cao được lấy ý tưởng từ những con chim trong thực tế. Đồng thời, các diễn viên chuyên loại hình nào sẽ đảm nhận chính loại hình nghệ thuật đó. Nhưng sự kết hợp cũng tồn tại nhiều rắc rối. “Có những phần nghệ sĩ xiếc phải nhảy thì họ hơi khó bắt nhịp theo nhạc. Nếu là múa đương đại chỉ di chuyển thì dễ, nhưng nếu nhảy hip hop thì khá khó để thực hiện”, biên đạo Minh Thông bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận