Chủ tịch Quốc họi Nguyễn thị Kim Ngân. |
Thảo luận tại tổ về Tờ trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM sáng 14/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh hiện nay, TP HCM là địa phương thu ngân sách lớn nhất nước và tỉ lệ điều tiết về T.Ư cũng lớn nhất nước, thu 100% chỉ để lại 18%, còn lại 82% làm nghĩa vụ ngân sách T.Ư.
Đặc thù thì chỉ thêm chứ không bớt
Theo dõi quá trình phát triển chung của TP, Chủ tịch Quốc hội cho rằng khoản TP điều tiết để lại nếu dưới 20% không thể nào phát triển được nhanh.
“Đã đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng động lực mà đi chậm thì cả toa sau đi chậm theo. Cho nên quy định cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không phải chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước. Phải tiếp cận ở nhận thức như vậy, chúng ta mới thoát ra được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đề cập đến cơ chế đặc thù thực hiện thí điểm chính sách thuế tài sản, Chủ tịch Quốc hội nói vì chưa có Luật nên TP sẽ làm thí điểm, sau đó đánh giá sơ kết để thí điểm đưa vào xây dựng Luật.
"Ví dụ mua nhà bị đánh thuế nhà thứ 2 để điều tiết thu nhập xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo thì có cần thiết hay chưa? Thuế tài sản rất tiến bộ để điều tiết người có nhiều nhà, nhiều tài sản phải có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước nhưng phải Quốc hội quyết vì không ai được quyền quyết", bà Ngân dẫn chứng.
Liên quan đến dự toán ngân sách của Thành phố, theo Chủ tịch Quốc hội, việc sau khi Quốc hội giao tổng thu, tổng chi sẽ để cho TP trong thẩm quyền được chi phân bổ cho các cấp cũng giống như sắp tới triển khai Nghị quyết T.Ư 6, quy định số lượng cấp phó cho tỉnh đó nhưng không quy định cụ thể đơn vị nào có số cấp phó bao nhiêu, mà giao địa phương tự quyết cụ thể số cấp phó ở từng Sở. Vì thế, nên thay đổi cơ chế giao quyền chủ động phù hợp với thực tế của địa phương.
Nói về đề xuất của Chính phủ cắt 18.800 tỷ đồng chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của TP đã được QH giao khi cho TP được hưởng số thu thoái vốn DNNN của TP để đầu tư cơ sở hạ tầng, Chủ tịch QH cho rằng: “Cho cái này lấy lại cái kia như vậy hẹp hòi quá”.
Theo bà đã cho cơ chế đặc thù, tạo động lực, cho vượt trội thì "cho thêm chứ đừng lấy bớt".
"Để có chủ trương này thì cũng đã qua quá trình nâng lên đặt xuống, bàn tới bàn lui, cân nhắc rất kỹ thì mới đưa ra trình Quốc hội. Tất nhiên, cơ chế đặc thù nhưng không được trái Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - đoàn Hà Nội |
Ủng hộ chủ trương tăng thu nhập
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đánh giá, sau 5 năm áp dụng cơ chế đặc thù, có thể nguồn thu của TP. HCM tăng lên nhiều, nhưng câu hỏi đặt ra là, việc đảm bảo phát triển bền vững sẽ thế nào? Lưu ý đến việc tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư, ông Hiểu đề nghị không tăng thuế suất như dự thảo đề nghị.
Ủng hộ chủ trương tăng thu nhập cho cán bộ, nhưng ông Hiểu cho rằng đi kèm với đó nên cho TP. HCM quy định về tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài, không nên thi tuyển cứng nhắc như hiện nay.
Thậm chí, vị ĐB này còn đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan. "Nhiều lĩnh vực cán bộ công viên chức có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Trong khi đó, người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước…" - ĐB Hiểu phân tích, đồng thời nhấn mạnh: "Khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin nên có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả bằng ở nhà”.
Đề cập đến hạn mức vay, đại biểu Vũ Lưu Mai lo ngại khi điều chỉnh mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố, trong khi đó quy định hiện hành, thậm chí Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cũng chỉ dừng lại ở mức 70%. Theo bà Mai, tới đây các địa phương khác cũng đưa ra đề nghị như vậy, từ đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến an toàn nợ công.
Về cơ chế thu nhập tăng thêm của cán bộ, công viên chức, bà Mai đồng tình cơ chế đặc thù này để thu hút nguồn nhân lực cho thành phố. Bà Mai cũng liên hệ tới đặc thù của thủ đô, Hà Nội cũng không nên chần chừ áp dụng.
Đồng tình với việc ban hành nghị quyết, song đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cân nhắc khi cơ chế đặc thù quá chú trọng vào tài chính, tăng thu để có đồng vốn nhiều hơn. Điều này là cần thiết, nhưng nếu quá chú trọng vào việc đó chưa chắc đã tạo được sự phát triển bền vững. “Cần tăng đặc thù trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư, phải có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt ở đây”, ông Cường nêu.
Liên quan đến thu nhập tăng thêm cho cán bộ, theo ông Cường, đi kèm theo đó phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém. Cũng theo đại biểu, đã ủy quyền thì phải gắn với trách nhiệm của các cấp, tránh cấp đó không hoàn thành lại đùn đẩy công việc lên cấp trên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng phân tích: "Về thu nhập, cũng có những ý kiến băn khoăn là nếu cho phép TP HCM quyết định thu nhập tăng thêm mà cao hơn cả tiền lương thì sẽ tạo ra chênh lệch rất lớn đối với các tỉnh, TP khác. Tôi nghĩ rằng nếu qua thí điểm ở TP HCM mà tạo ra được động lực, giúp chúng ta cải cách tiền lương thì đó là điều hay".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận