Văn Toàn |
“Rủ nhau” trẻ hóa
Có thể nói, chưa bao giờ V-League lại chứng kiến một làn sóng trẻ hóa mạnh mẽ như trước mùa giải 2015. Đi đầu là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khi bầu Đức quyết định để một loạt tên tuổi thuộc biên chế U19 như: Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều, Hồng Duy, Thanh Tùng…. lên chơi ở đội 1 dự V-League 2015. Tất nhiên, trước đó đội bóng phố núi đã có sự chuẩn bị khi để những cái tên “quá tuổi” ra đi tìm bến đỗ mới.
HAGL vài năm nay thi đấu bết bát nên cần một làn gió mới là điều dễ hiểu nhưng ngay cả Hà Nội T&T, một đội bóng luôn vô địch hoặc ít nhất cũng có ngôi Á quân mấy mùa giải gần đây cũng trẻ hóa thì thực sự là một bất ngờ. Những công thần như: Thạch Bảo Khanh, Lê Hồng Minh, Nguyễn Tiến Dũng và Cao Sỹ Cường đã nói lời chia tay đội bóng của bầu Hiển. Bù vào đó, HLV Phan Thanh Hùng đôn rất nhiều tài năng trẻ lứa U21 và U19 lên đội 1 như: Đức Huy, Duy Mạnh, Nam Anh, Hùng Dũng, Duy Khánh, Văn Thành, Ngọc Đức.
"Với một cầu thủ trẻ đang đá ở U19 mà lại được đôn lên đội 1 nếu gặp một, hai trận đầu khó khăn thì dần dần họ sẽ mất tự tin. Nếu Công Phượng đủ tài, đủ tầm để không bị ngợp tại sân chơi V-League thì tôi nghĩ cậu ấy có thể tiến xa”. HLV Triệu Quang Hà |
Không riêng gì hai đội bóng trên, một số CLB có truyền thống như: Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Tháp cũng mạnh dạn tin dùng những cầu thủ trẻ “cây nhà, lá vườn”.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến các đội bóng thay đổi tư duy một cách nhanh chóng như vậy? Thứ nhất, từ mùa giải 2015, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã ra quy chế mỗi đội bóng dự V-League hay Giải hạng nhất Quốc gia sẽ chỉ được đăng ký tối đa hai ngoại binh. Việc này khiến các đội bóng buộc phải sử dụng nhiều cầu thủ nội hơn nhưng trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không phải CLB nào cũng rủng rỉnh tiền bạc để tậu sao nội như Bình Dương. Thế nên, sử dụng cầu thủ trẻ có tiềm năng gần như là một điều tất yếu.
Thứ hai, trong năm 2014, U19 Việt Nam với thành phần chủ yếu là của U19 HAGL cộng với một vài cái tên khác đã tạo được một hiệu ứng vô cùng lớn với khán giả và mở ra một hướng đi mới cho các CLB. Công Phượng và đồng đội ở U19 Việt Nam đã chứng minh được rằng bóng đá đẹp, cống hiến, khát khao vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả. Vì vậy, các đội bóng nhận ra rằng những cầu thủ trẻ có thể đem đến cảm xúc và kéo khán giả tới sân nhiều hơn.
Khó thành công ngay
Đánh giá về xu hướng trẻ hóa tại V-League 2015, HLV Triệu Quang Hà, người từng dẫn dắt Ninh Bình chơi khá thành công tại sân chơi này khẳng định: “Việc nhiều đội bóng để các cầu thủ trẻ lên chơi ở V-League là một cơ hội lớn cho những cầu thủ này rèn luyện, trưởng thành. Một đội bóng có sự kết hợp giữa các cầu thủ kinh nghiệm và trẻ trung sẽ có những nét tươi mới trong lối chơi và từ đó V-Legue cũng trở nên đáng xem hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu đội bóng nào giàu tham vọng thì khó có thể thành đạt thành tích cao. Chắc chắn phải đợi hai, ba năm sau khi các cầu thủ trẻ trưởng thành, đội bóng đó mới có được sức bật vươn tới thành công”.
Cách đây không lâu, chuyên gia bóng đã Nguyễn Văn Vinh cho rằng, nếu lên chơi tại V-League, cầu thủ U19 Việt Nam hay U19 HAGL nói riêng sẽ trở thành nạn nhân của những pha chặt chém. Thế nhưng, HLV Triệu Quang Hà lại không đồng tình với quan điểm này. “Trong bóng đá tất nhiên phải có va chạm, ở môi trường khắc nghiệt như V-League thì va chạm càng nhiều. Tuy nhiên, hai đội đá trên sân đều phải theo luật, đâu phải cứ bỏ bóng đá người. Với các cầu thủ trẻ, quan trọng là anh có đủ sức đá ở V-League hay không mà thôi” - cựu thuyền trưởng Ninh Bình nói.
Riêng về cá nhân Công Phượng, HLV Triệu Quang Hà đánh giá: “Công Phượng là một hiện tượng và nhận được rất nhiều sự chú ý, kỳ vọng từ người hâm mộ và giới chuyên môn. Tôi cho rằng đây là một rào cản cực lớn với Công Phượng, nếu không thể vượt qua được sức ép quá lớn dành cho mình, Phượng khó có thể tỏa sáng”.
Thanh Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận