Chất lượng sống

Vẫn nơm nớp lo kháng sinh tồn dư trong thực phẩm

13/01/2017, 10:25

Tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn nhức nhối, đe dọa an toàn, sức khỏe người dùng.

35

Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng - Ảnh: Lã Anh

Tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn nhức nhối, đe dọa an toàn, sức khỏe người dùng. Vấn đề này tiếp tục được cảnh báo tại hội thảo “Quản lý và sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững” tổ chức sáng 12/1 tại Hà Nội.

Đầy rẫy vi phạm

Theo ông Lê Anh Ngọc, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT, kết quả giám sát trong năm 2016 về dư lượng kháng sinh cho thấy, có giảm hơn năm trước nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Cụ thể, với 2.724 mẫu thủy sản nuôi, phát hiện 31 mẫu chứa dư lượng hóa chất kháng sinh cấm hoặc kháng sinh hạn chế vượt mức giới hạn tối đa cho phép, chiếm tỷ lệ 1,14%.

Đáng lưu ý, thông qua mạng cảnh báo nhanh, cơ quan thẩm quyền của các nước nhập khẩu thủy sản và các kênh ngoại giao khác, Cục cũng nhận được cảnh báo về các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) do phát hiện kháng sinh cấm hoặc dư lượng hóa chất kháng sinh vược mức giới hạn. Trong đó, Nhật Bản 24 lô, EU 11 lô, Úc 3 lô và Hàn Quốc 2 lô. “Nguyên nhân chủ yếu do các cơ sở nuôi chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian ngừng sử dụng trước thu hoạch và có nơi còn lạm dụng hóa chất kháng sinh cấm trong chăn nuôi”, ông Anh Ngọc cho biết.

Năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã thanh tra 30 công ty có vi phạm về nguyên liệu kháng sinh, xử phạt 23 đơn vị số tiền 1,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, củng cố, xác lập hành vi vi phạm với 200 cơ sở sản xuất nhỏ, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản (chủ yếu ở miền Tây và TP HCM) chuyển cho địa phương xử lý… Tạm dừng cấp phép từ 3-12 tháng với các công ty có hành vi bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng.

Về việc còn tồn dư kháng sinh trong sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện các đơn vị nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh đã bán cho các tổ chức, cá nhân không có chức năng sản xuất thuốc thú y - sai đối tượng theo quy định. Từ đó, nguyên liệu kháng sinh được sử dụng không đúng mục đích như: Điều chế sản xuất thuốc thú y trái phép, không đảm bảo chất lượng và loại thuốc này được tiếp thị thẳng xuống trang trại; hoặc tự ý bổ sung vào thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản mua và sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh trong chăn nuôi thủy sản và gia súc, gia cầm. Điển hình là loại kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thủy sản như Enrofloxacin… Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tồn dư kháng sinh trong nông, thủy, hải sản. Cũng theo ông Dũng, trong năm 2016, Thanh tra Bộ cũng đã thanh tra đối với 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, phát hiện 5 đơn vị bán sai đối tượng…

“Hiện, việc thanh, kiểm tra đầu vào nhập khẩu và sản xuất nguyên liệu kháng sinh, thuốc kháng sinh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, nhận thức của bà con chăn nuôi nông, thủy sản vẫn cần phải được tuyên truyền để thay đổi tích cực”, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết.

Sử dụng chất cấm chăn nuôi có thể bị xử lý hình sự

Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Chưa bao giờ tình trạng kháng kháng sinh lại đáng báo động như hiện nay. Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh tùy tiện trong điều trị bệnh thì việc sử dụng kháng sinh chưa đúng trong chăn nuôi cũng tác động không nhỏ đến vấn đề kháng thuốc ở con người”.

Cùng quan điểm này, ông Lê Anh Ngọc nhận định, việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ dẫn đến tình trạng tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi cao mà không phương pháp nào loại bỏ được trong quá trình chế biến và bảo quản. Dư lượng này tùy từng loại sẽ gây hại tức khắc hoặc tích tụ sau một thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. “Như kháng sinh cấm Chloramphenicol có thể gây ức chế hoạt động của tủy xương, nitrofuran lại có thể gây ung thư… hoặc việc lạm dụng hóa chất và kháng sinh còn làm xuất hiện các chủng kháng thuốc”, ông Ngọc ví dụ. Bên cạnh ảnh hưởng về sức khỏe, việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi nông, thủy hải sản còn khiến các doanh nghiệp xuất khẩu chịu nhiều thiệt hại khi bị trả về…

Trước thực trạng vẫn còn tồn tại tồn dư kháng sinh, hóa chất trong nông, thủy hải sản như hiện nay, ông Đàm Xuân Thành cho hay: “Nỗi lo lớn nhất là người nuôi trồng thường mách nhau và tự ý mua kháng sinh về sử dụng, trong khi việc mua bán kháng sinh lại đang rất dễ dàng. Chính vì vậy, lực lượng chức năng sẽ phải tăng kiểm tra các cửa hàng thuốc, phát hiện và xử lý các trường hợp bán không đúng quy định, tạm đình chỉ, rút giấy phép. Bên cạnh đó, tuyên truyền để người dân nuôi trồng nhận biết các hành vi cố tình sử dụng sai mục đích nguyên liệu kháng sinh trong chăn nuôi sẽ bị xử phạt rất nặng trong thời gian tới”. Cũng theo ông Thành, Bộ luật Hình sự đang sửa đổi sẽ có quy định những hành vi sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm sẽ bị xử lý hình sự bên cạnh phạt hành chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.