Đường sắt

Vận tải đường sắt thoát lỗ cách nào?

05/05/2018, 13:54

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội lỗ hơn 87 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn lãi

3

Lĩnh vực vận tải đường sắt vẫn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Tạ Tôn

Dù đặt nhiều kỳ vọng sau nỗ lực đổi mới, nhưng lĩnh vực vận tải đường sắt vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí lỗ nặng. 

Lỗ nặng vì bộ máy cồng kềnh

Báo cáo thường niên năm 2017 của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội được công bố tại Đại hội cổ đông mới đây cho biết, dù tổng doanh thu đạt tới 2.289 tỷ đồng, nhưng đơn vị này vẫn lỗ nặng, lên đến hơn 87 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐTV công ty cho biết, năm qua liên miên bão lụt, xảy ra nhiều sự cố tàu. Trong khi đó, chi phí chuyển tải, cứu viện tăng đáng kể. Cùng đó, sản lượng vận chuyển một số chân hàng truyền thống sụt giảm mạnh.

Cũng theo ông Hoan, nguyên nhân nữa phải kể đến là chi phí trả lương cho CBCNV rất cao do quá trình thực hiện tái cơ cấu đường sắt những năm qua. Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội phải “gánh” số lượng nhân công lao động quá đông. Sau khi sáp nhập 3 công ty vận tải và Liên hiệp Sức kéo, công ty có đến 12.500 lao động; Khi đưa khối đầu máy và nhà ga về Tổng công ty Đường sắt, công ty vẫn còn 6.500 lao động.

Tổng công ty Đường sắt VN đang đề xuất Bộ GTVT phương án tái cơ cấu lại lĩnh vực này theo hướng chuyên môn hóa, tách bạch một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải đường sắt và một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa. Trong đó, doanh nghiệp vận tải hàng hóa sẽ cổ phần hóa, thu hút đầu tư xã hội hóa. Việc sắp xếp lại các doanh nghiệp vận tải đường sắt sẽ tránh được cạnh tranh nội bộ, giảm lao động, đồng thời có vốn xã hội hóa để đẩy mạnh lĩnh vực này, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng.

“Trong 2 năm vừa qua, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp giải quyết vấn đề lao động dư thừa, nhưng đến giờ vẫn còn đến khoảng 4.680 lao động”, ông Hoan nói.

“Bộ máy quá cồng kềnh khiến chi phí tăng cao. Mặt khác, đơn vị còn phải gánh những tuyến tàu an sinh không hiệu quả, cứ chạy là lỗ như: Hà Nội - Thái Nguyên, Yên Viên - Hạ Long... Trong khi Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ cho chạy tàu an sinh”, ông Hoan nói và cho biết thêm, riêng năm 2017, đơn vị phải bỏ ra 21 tỷ đồng chi phí cho các đoàn tàu an sinh. Điều này khiến công ty đã không thể cân đối thu chi, buộc phải dừng chạy các đoàn tàu này.

Trong khi Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thua lỗ nặng, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn dù đang có lãi nhưng không đáng kể. Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty cho biết, doanh thu đạt 1.620 tỷ đồng, lãi sau thuế 8 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực vận tải vẫn đảm bảo cân đối thu chi. Một trong những yếu tố giúp công ty đạt được con số doanh thu, lợi nhuận khả quan năm 2017 là đã mạnh dạn đầu tư đóng mới hàng loạt toa xe khách chất lượng cao và đưa vào khai thác ngay từ đầu năm nên thu hút được hành khách trên các tuyến, cung chặng hấp dẫn khách du lịch như Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết. Tuy nhiên, để đạt được lợi nhuận cho năm 2018 sẽ khá “bấp bênh” nếu không có giải pháp quyết liệt để giảm các chi phí.

Cách nào thoát lỗ?

Trước sự thua lỗ của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, ông Bùi Quốc Chính, một cổ đông ngoài đường sắt cho rằng, để cắt lỗ phải kiên quyết giảm chi phí cân đối thu chi.

Ông Chính phân tích, tổng chi phí bắt buộc lên đến 62%, trong đó chi phí thuê điều hành GTVT của Tổng công ty Đường sắt VN 53-54%, cộng với 8% phí thuê kết cấu hạ tầng đường sắt phải nộp cho Nhà nước. Chỉ còn khoảng hơn 30% cho các khoản chi phí khấu hao, trả lương người lao động, thuê sức kéo, sửa chữa phương tiện.

“Không còn cách nào để cắt giảm chi phí được nữa. Tổng công ty Đường sắt VN cần phải hỗ trợ cho công ty bằng những việc cụ thể như: Giảm chi phí sức kéo, chi phí điều hành để tạo điều kiện cho công ty thoát lỗ, cũng là bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần. Tôi cho rằng, cần có biện pháp cấp bách ngay trong năm nay, không sẽ tiếp tục lỗ sâu”, ông Chính nói.

Liên quan đến đơn giá điều hành GTVT đường sắt và sức kéo là hai lĩnh vực do Tổng công ty Đường sắt VN quản lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phan Quốc Anh cho biết, đơn vị này đang giữ cổ phần chi phối tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội với hơn 90%; tại Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn với hơn 70%. Nếu các công ty này lỗ, đương nhiên ảnh hưởng đến vốn Nhà nước góp tại 2 công ty.

“Tổng công ty sẽ quyết định giảm đơn giá điều hành GTVT nhưng phải tính toán hài hòa, không ảnh hưởng đến các đơn vị, người lao động thuộc khối chạy tàu, điều độ. Chi phí cho sức kéo cũng vậy, bóc tách giá nhiên liệu thì theo thị trường, còn các khoản khác thuộc sự quản lý của các xí nghiệp đầu máy như sửa chữa đầu máy, vật tư sẽ xem xét điều chỉnh”, ông Quốc Anh khẳng định.

Về giải pháp để thoát lỗ, ông Đỗ Văn Hoan cho biết, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội dự kiến giảm khoảng hơn 400 lao động để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho CBCNV. Cùng đó, đơn vị ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện vận tải, trang thiết bị phục vụ hai đầu để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng. Vừa qua, công ty đã tiếp tục đầu tư 30 toa xe khách thế hệ 3 để kịp đưa ra phục vụ hành khách đợt cao điểm vận tải hè này. Đồng thời, kiểm soát chặt chi phí, đặc biệt là chi phí mua sắm vật tư, phụ tùng, chi phí thường xuyên để hạ giá thành đầu vào, hạ giá bán, cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác.

Còn ông Đào Anh Tuấn cho biết, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn tiếp tục đổi mới phương tiện, đóng mới toa xe, nâng cấp cải tạo toa xe vì kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, các đoàn tàu đóng mới thu hút khách. Riêng năm 2018, công ty đầu tư đóng mới tiếp 15 toa xe khách hiện đại thế hệ 3 và 50 xe Mc chuyên chở container.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.