Xe tải "chạy rỗng" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: Tạ Tôn |
70% xe “chạy rỗng”, sàn giao dịch vận tải đìu hiu
Khảo sát của PV Báo Giao thông trên một số tuyến đường như: QL5, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL18, QL2 qua Vĩnh Phúc... tình trạng xe tải, xe container lưu thông không chở hàng rất phổ biến. Trung bình 10 xe, có đến 5-6 xe không chở hàng.
Anh Phạm Đức Long, lái xe và cũng là chủ DN vận tải tư nhân Long Lan (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, chuyện xe chạy không hàng ở các tuyến đường dài là bình thường, bởi đa phần DN vận tải chỉ có hàng một chiều, do đó chiều còn lại phải chạy xe không. “Tôi có mối hàng ổn định là chở dược phẩm của một công ty từ TP.HCM ra chi nhánh của công ty ở Hà Nội. Nguồn hàng ổn định, nhưng cũng chỉ được một chiều. Muốn tìm hàng chở trên chặng từ Hà Nội vào phía Nam để giảm chi phí, nhưng họa hoằn lắm mới được chuyến”, anh Long kể.
"Việc thiếu công khai, minh bạch trong lĩnh vực vận tải hiện đang tác động rất xấu tới năng lực cạnh tranh của các DN. Nhiều DN vận tải cạnh tranh không lành mạnh, chở hàng quá tải. Tổng cục Đường bộ VN sẽ nghiên cứu các giải pháp, cơ chế nhằm thúc đẩy hoạt động của sàn giao dịch vận tải hàng hóa để hạn chế xe chạy rỗng, giúp tiết kiệm chi phí; đồng thời nghiên cứu hình thành sàn giao dịch chung cho các phương thức vận tải”. Bà Phan Thị Thu Hiền |
Còn theo một khảo sát của Viện Chiến lược và phát triển GTVT về DN vận tải, khoảng 70% số chuyến xe chở hàng chỉ theo một chiều và “chạy rỗng” chiều ngược lại. Điều này vô hình khiến các chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ tăng thêm khoảng 30% so với giá trị thực.
Tương tự với lĩnh vực đường thủy, khảo sát của PV Báo Giao thông trên các trục vận tải thủy như: Sông Hồng, Đá Bạch, Cầu... rất phổ biến các tàu trọng tải loại lớn chạy không hàng. Một số chủ tàu cho biết, giao dịch vận tải ở đường thủy chủ yếu là mối quen biết, gần đây một số người đăng lên face book cá nhân để tìm hàng, mua bán tàu. “Hầu hết các tàu đều chạy một chiều. Có mấy tàu tìm được hàng ổn định hai chiều đâu”, ông Khương, tàu HD- 2415 chuyên chở gỗ dăm từ Thái Nguyên đi Hải Phòng cho biết.
Đằng sau chuyện phổ biến tình trạng phương tiện “chạy rỗng” trên, điều đáng bàn là các sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy trực tuyến dù đã được mở từ vài năm nay lại đang rơi vào cảnh đìu hiu.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, sau hơn 2 năm hoạt động, Sàn giao dịch vận tải Việt Nam (VinaTrucking, chuyên về vận tải đường bộ) có hơn 1.000 thành viên, nhưng tính đến hết tháng 12/2017 mới có 239 chuyến hàng và hơn 1.000 chuyến xe đăng ký trên sàn. Đến nay, mới có hơn 600 giao dịch, với 48 giao dịch vận tải thành công. “Đây là con số quá ít ỏi so với hơn 56.000 doanh nghiệp vận tải trên cả nước”, bà Hiền nói.
Còn lĩnh vực đường thủy, ông Phạm Thanh Tùng, đại diện Sàn giao dịch vận tải IZIFIX cho biết, dù các thông tin đăng trên sàn miễn phí và chủ hàng, chủ phương tiện tự điện thoại trực tiếp cho nhau, nhưng hiện mỗi ngày cũng chỉ có vài thông tin của chủ hàng, chủ tàu được đưa lên.
Tình trạng phương tiện chỉ chở hàng một chiều gây lãng phí đầu tư, tăng chi phí vận tải (Trong ảnh: Phương tiện vận tải lưu thông trên QL5 qua Hải Dương) |
Thị trường thiếu công khai, minh bạch?
Theo các chuyên gia, sàn giao dịch vận tải là một trong những phương thức kết nối vận tải hiệu quả, giúp giảm chi phí vận tải, tránh lãng phí đầu tư phương tiện, tiêu hao nhiên liệu. Tuy vậy, thực tế cho thấy giao dịch vận tải trực tuyến vẫn xa lạ với cả chủ hàng và giới vận tải.
Ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàn Cầu cho biết, sàn giao dịch vận tải chưa có tính chuyên nghiệp, tiện ích, cũng như chưa tạo được sự tin cậy cho doanh nghiệp. “Đơn vị quản lý sàn cần có bộ phận kết nối, chủ động tìm nguồn hàng, phân tích dữ liệu nguồn hàng, số lượng, khối lượng, giá cả, lộ trình vận chuyển để đưa lên sàn giá cả thực, khi đó mới tạo được niềm tin cho doanh nghiệp. Còn như hiện nay, chỉ lập một trang web rồi ai giao dịch gì thì giao dịch nên khó để DN tin tưởng”, ông Hoàn nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Văn Tiến cho biết, việc bắt buộc DN phải đăng ký tài khoản mới cho giao dịch trên sàn khiến nhiều DN không muốn thực hiện. “Hạn chế nữa là sàn giao dịch chưa công khai giá vận chuyển mà chủ lô hàng đề xuất để DN dựa vào đó xem mức giá trả cho dịch vụ có phù hợp hay không. Nếu phù hợp DN liên hệ chủ hàng để vận chuyển, còn không thì đỡ tốn thời gian giao dịch”, ông Tiến nêu.
Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia và đại diện sàn giao dịch vận tải cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên do thị trường vận tải thiếu sự minh bạch về chi phí, “cơ chế ngầm”, cũng như cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN vận tải.
“Có những đơn hàng vận tải thủy, chẳng hạn được ký với mức giá 80.000 đồng/tấn, nhưng thực chất người làm vận tải chỉ nhận được 70.000 đồng/tấn, còn phải trích lại cho người khác. Vì vậy, sự thiếu công khai, minh bạch và sợ lộ thông tin khiến chủ hàng, đơn vị vận tải không muốn giao dịch qua sàn trực tuyến”, ông Phạm Thanh Tùng, đại diện Sàn giao dịch IZIFIX nói.
Ông Tạ Công Thuận, Tổng giám đốc Sàn giao dịch vận tải (VinaTrucking) cũng cho rằng: “Một số DN không muốn thực hiện giao dịch minh bạch mọi thứ qua sàn. Họ muốn giữ phương thức giao dịch vận tải kiểu truyền thống vì được hưởng quyền lợi từ sự thiếu minh bạch về giá vận tải. Những lo ngại này sẽ sớm bị mất đi nếu giá dịch vụ vận tải được cạnh tranh bình đẳng. Từ việc đấu giá dịch vụ vận tải đến khả năng kết nối sẽ giúp chi phí vận tải về đúng giá trị thực là điều mà các bên đều mong muốn”.
Cũng theo ông Thuận, kinh nghiệm ở nước ngoài cần khoảng 10 năm để giao dịch vận tải hoạt động hiệu quả, nhưng có sự hỗ trợ của Nhà nước trong 5 năm đầu về vốn và cơ chế chính sách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận