Bún thang |
Chỉ là món ăn dân dã, có thể ăn bất kì thời điểm nào trong ngày, có thể ngồi vỉa hè vừa ngắm phố phường vừa thưởng thức hay vào nhà hàng sang trọng, vì bún thang là kết tinh nghệ thuật ẩm thực của người Hà Nội.
Bát bún thang được bày ra rất bắt mắt với màu vàng non của trứng, màu trăng trắng, hồng hồng của thịt gà, của giò, màu nâu sữa nhạt của củ cải khô, nâu đậm của nấm hương, xanh lấm tấm của hành hoa, rau răm xắt nhỏ và lấp ló bên dưới là những sợi bún nhỏ trắng trong. Trộn đều nhân lên với vài lát ớt tươi hoặc chút tương ớt, nếm một thìa nước dùng, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngon khó tả: Ngọt, thanh nhưng vẫn thấy vị nồng nồng, găn gắt, mặn mòi của hải sản. Đưa một miếng bún vào miệng, cái giòn sật của củ cải, cái dai giòn của thịt gà, của giò, beo béo, ngầy ngậy của trứng, tất cả hòa quyện thật tinh tế.
Trông bát bún thang đơn giản thế nhưng để pha chế được nước dùng và nhân ngon lại rất cầu kì. Nước dùng phải đủ hương vị: Vị ngọt của nước luộc gà, xương lợn ninh, tôm khô, sá sùng hoặc râu mực, hương thơm của gừng nướng, hành khô nướng và nấm hương. Gà luộc phải là gà ta, dai giòn, rồi xé sợi nhỏ. Trứng đánh bông, tráng thật mỏng, để nguội, sắt sợi nhỏ như sợi miến. Củ cải khô sợi nhỏ ngâm nước nóng cho nở, rồi ngâm với chút dấm, chút đường. Và đừng quên nói với người bán hàng cho chút mắm tôm. Không có mắm tôm dường như bát bún thang thiếu đi điểm nhấn, chính cái vị găn gắt, cái mùi khó ưa ấy hòa quyện với nước dùng nóng giẫy tạo nên hương vị riêng, đậm đà cho món bún thang.
Chỉ từ 35 nghìn đồng/bát, bạn có thể dễ dàng thưởng thức ở nhiều con phố Hà Nội. Nhưng người Hà Nội thường tìm đến những quán bún thang ngon có tiếng ở Cửa Nam, Đình Ngang, Bảo Khánh hay quanh phố cổ. Nhiều người lại thích ngồi quán Bà Đức ở vỉa hè phố Cầu Gỗ, vừa thưởng thức món bún thang thơm nức vừa ngắm cái tấp nập, nhộn nhịp của con phố buôn bán nhỏ mà sầm uất người và xe qua lại.
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận