Chỉ đến khi Phi Thanh Vân khoe ảnh đăng quang Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt trên trang cá nhân, người ta mới biết đến việc cô thi hoa hậu |
Nở rộ các hoa, các á không rõ ràng tiêu chí
Những năm qua, đã có hàng loạt cuộc thi nhan sắc Việt nở rộ bên nước ngoài. Chỉ tính riêng đầu tháng 12 đã có tới hàng chục người đẹp đăng quang các cuộc thi lớn, nhỏ ở nước ngoài như: Hoa hậu Sắc đẹp hoàn mỹ toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Sắc đẹp Việt toàn cầu, Hoa hậu người Việt quốc tế... Thế nhưng, không ít cuộc thi trong số ấy bị gắn mác “ao làng” bởi những thông tin mập mờ. Trước nay, nhiều cuộc thi có cái tên rất kêu nhưng cũng từng bị coi là “ao làng” như: Hoa hậu Thế giới toàn cầu, Hoa hậu Phụ nữ sắc đẹp, Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt… vẫn liên tục được tổ chức và “xuất xưởng” những hoa hậu, á hậu dù dư luận có không ưa.
Nhiều cuộc thi tổ chức tại nước ngoài do ca sĩ Nguyên Vũ làm giám khảo, BTC coi hoạt động thiện nguyện là không thể thiếu. Nhiều người đẹp sau khi đăng quang, dù không được công chúng, truyền thông trong nước chấp nhận, họ vẫn đi làm từ thiện. Hoặc họ dùng danh hiệu nhằm mục đích kinh doanh, nhưng vẫn hỗ trợ từ thiện. Và nếu họ là hoa hậu “ao làng” ở trường hợp này cũng không đáng trách. Đáng trách ở đây là đạt danh hiệu hoa hậu dùng để làm bậy. Mà bậy thì dù “ao làng” hay “biển lớn” thì nhiều khi cũng vướng phải. |
Tiêu chí của các cuộc thi này cũng không đòi hỏi quá nhiều. Hoa hậu Thế giới toàn cầu chỉ cần thí sinh từ 29 tuổi trở xuống, không quan trọng các yếu tố về đời tư như chồng con, công việc. Hay giải Hoa hậu Việt Nam Quốc tế (Miss Vietnam International) cũng có tiêu chí khá chung chung: Chiều cao trên 1m63, không có khuyết tật về thể chất, không nói lắp, không phẫu thuật thẩm mỹ, độc thân và chưa có con. Cũng bởi những thông tin về cuộc thi hạn chế nên sau khi các người đẹp đăng quang, công chúng khó biết người giành giải cao nhất có những hoạt động gì trong thời điểm đăng quang.
Doanh nhân Thu Trang, người từng có kinh nghiệm tổ chức và làm giám khảo nhiều cuộc thi nhan sắc cho rằng, với các cuộc thi nhan sắc, phải có tiêu chuẩn về nhan sắc, theo quy định của pháp luật và tiêu chí mang tính tích cực cho cộng đồng. Thế nhưng, nhiều BTC cũng không hiểu tiêu chí cho một cuộc thi người đẹp là gì nên chất lượng cuộc thi cũng không tốt. “Sau cuộc thi, rất ít đơn vị có hoạt động hỗ trợ thí sinh để đạt được mục đích cộng đồng đúng đắn. Họ để người đẹp tự bươn chải, tự xây dựng thương hiệu, tự kiếm tiền… nên các người đẹp cũng không được chuyên nghiệp”, bà Trang cho hay.
Từng làm giám khảo nhiều cuộc thi nhan sắc trong nước và được tổ chức ở nước ngoài, theo ca sĩ Nguyên Vũ, do nhu cầu cần người đẹp và cần người khác biết mình đẹp rất cao nên mới có nhiều cuộc thi nhan sắc đến vậy. Những người còn khiếm khuyết, không thể tham gia các cuộc thi chính quy, hoành tráng đành chọn cách thi các cuộc thi “ao làng”. Với anh, hoa hậu cũng chỉ là một danh xưng, điều quan trọng là người đoạt danh hiệu sau đó làm gì để xứng đáng với danh hiệu ấy.“Tôi thấy rất uổng khi nhiều người đoạt danh hiệu ở các cuộc thi chính quy sau đó lấy chồng hoặc “mất tích”. Nếu muốn rạch ròi hoa hậu “ao làng” hay không, cần có ràng buộc về công việc của họ sau khi đăng quang như đi thiện nguyện, làm công tác xã hội… Còn bây giờ, đạt hoa hậu chính quy cũng chỉ để đi sự kiện, diễn thời trang, kinh doanh rồi biến mất, thì có khác những hoa hậu khác đâu?”, ca sĩ bày tỏ.
Danh xưng hoa hậu, mang lại gì cho người đẹp?
Theo Á hậu Trịnh Kim Chi, các nhan sắc tham dự các cuộc thi chỉ nhằm có vị trí, danh hiệu để khuếch trương công việc kinh doanh của mình. “Đây là điều nhức nhối, vì đương nhiên đó là quyền chọn lựa của họ nhưng nó rất phí danh hiệu. Bạn thành đạt, bạn có điều kiện tham gia thiện nguyện cũng rất tốt, nhưng đó là chuyện phụ của đa số hoa hậu bây giờ”, Á hậu Trịnh Kim Chi nói.
Sau khi đăng quang Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt, Phi Thanh Vân thừa nhận, danh hiệu hoa hậu không mang tới nhiều sự thay đổi cho cuộc đời của cô. “Bởi, cuộc sống của tôi, lịch công tác vẫn vậy. Chỉ có điều, trước đây vài năm cô mới đi Mỹ một lần thì bây giờ hay đi hơn, vì có vài hợp đồng quảng cáo”. Cô cho hay, danh hiệu cũng giúp ích việc PR marketing cho công ty. Cô từ chối chia sẻ sâu hơn về công việc kinh doanh mỹ phẩm làm đẹp trên Facebook cá nhân.
Tuy nhiên, người đẹp phân tích thêm, với những cuộc thi dành cho người chưa có gia đình, danh hiệu hoa hậu gần như thay đổi 70% cuộc đời khi họ có thể đi sự kiện, quảng cáo... Nhưng những giải Hoa hậu quý bà, doanh nhân… thường chỉ giúp cuộc sống của người đăng quang thay đổi khoảng 20%. Bởi, họ là người đã có địa vị xã hội nhất định, giàu có.
“Nữ hoàng đồ lót” Ngọc Trinh khẳng định ngược lại với diễn viên Phi Thanh Vân, danh hiệu Hoa hậu người Việt hoàn cầu 2011 không có tác động trong lĩnh vực kinh doanh thời trang hay sản phẩm làm đẹp của cô. Thứ mang lại cho cô thành công ngày hôm nay chính là sự nỗ lực của cá nhân, cùng đó là thương hiệu “nữ hoàng đồ lót”, “vẻ đẹp tự nhiên” mà truyền thông ưu ái. Tuy nhiên, cô rất hạnh phúc khi đạt được giải thưởng cao nhất về nhan sắc, điều đó chứng tỏ cô đẹp. “Là phái nữ, có ai không muốn mình đẹp. Và đạt được giải thưởng chứng minh điều đó?”.
Còn với diễn viên Dương Yến Ngọc, đạt giải Hoa hậu Quý bà hòa bình thế giới 2017 là một cột mốc, trải nghiệm mới để đánh giá lại sự phấn đấu của mình. Cô cho biết, danh hiệu đạt được hiện tại chưa có nhiều sự thay đổi, tác động tới công việc kinh doanh của mình. Cô cho biết, mình được gặp gỡ, giao lưu với những người thành công trong cuộc sống, trở thành bạn bè của họ. Với người đẹp, điều đó sẽ giúp ích cho cô rất nhiều trong công việc sau này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận