VĐV đi bộ Nguyễn Thành Ngưng |
Hôm chủ nhật tuần trước, VĐV đi bộ Nguyễn Thành Ngưng đã bất ngờ thi đấu thành công ở nội dung đi bộ 20km, giải Vô địch châu Á 2016, qua đó giành vé trực tiếp dự Olympic 2016. Thành tích của Thành Ngưng là 1 giờ 23 phút 29 giây trong khi chuẩn Olympic là 1 giờ 24 phút.
Đáng nói ở chỗ, Thành Ngưng dự giải lần này hoàn toàn không có sự hỗ trợ kinh phí từ ngành Thể thao. Toàn bộ chi phí, đi lại, ăn ở đều do đơn vị Đà Nẵng chu cấp. Chỉ mình Thanh Phúc được ngành Thể thao đầu tư nhưng chị gái của Thành Ngưng lại dính chấn thương và phải bỏ cuộc.
Câu chuyện này một lần nữa cho thấy cách làm thiếu chuyên nghiệp, hời hợt của ngành Thể thao. Cùng là VĐV, cùng ra nước ngoài thi đấu nhưng người được tài trợ, người không. Chắc chắn tâm lý của Thành Ngưng bị ảnh hưởng phần nào. Và nếu không có sự chung tay của Đà Nẵng, rõ ràng đi bộ Việt Nam nói riêng, điền kinh nói chung sẽ không có suất dự Olympic 2016 tại Brasil.
Bấy lâu nay, ngành Thể thao vẫn luôn kêu thiếu kinh phí nên việc đầu tư trọng điểm là điều dễ hiểu. Tuy vậy, nguy cơ rủi ro từ cách làm này rất lớn. Đơn cử như trường hợp của Thanh Phúc tại giải Vô địch châu Á đang diễn ra trên đất Nhật. Nhìn sâu xa hơn, chính cái “trọng điểm” mà ngành Thể thao VN đang hướng tới chưa hẳn đã đúng đắn và nó vô hình trung làm suy yếu cả nền thể thao.
Nền tảng để thể thao thành công là tập luyện nâng cao và thi đấu cọ xát. Tuy nhiên, ở Việt Nam cả hai yếu tố này đều chưa được chú trọng. Các VĐV của chúng ta gần như cả năm chỉ tập chay và nhiều bộ môn cả năm trời mới được thi đấu một giải. Đi bộ là một ví dụ. Nếu vào các năm tổ chức ASIAD hay SEA Games, các VĐV sẽ có thêm cơ hội tranh tài. Dẫu vậy, chừng đó cũng chưa đủ nếu chúng ta muốn vươn tới Olympic.
Sau kỳ ASIAD 2014, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương cho biết, tất cả những đối thủ trên đường chạy cô đều chạm trán họ từ khi còn rất trẻ. Qua mài dũa, họ sẽ trưởng thành nhanh chóng. Đó mới là làm thể thao một cách chuyên nghiệp. Trong khi ở VN, việc có một giải đấu tử tế cũng khó và kết quả tất yếu là chúng ta ngày càng tụt hậu.
Cứ cho là ngành Thể thao khó khăn về kinh phí nhưng tại sao những nhà lãnh đạo không kêu gọi xã hội hóa một cách tích cực hơn. Tin rằng, nếu có cơ chế ổn thỏa, nhiều doanh nghiệp lớn ở VN sẵn sàng đầu tư vào thể thao. Chỉ khi nào giải được bài toán này, thể thao VN mới có hy vọng đi lên. Bằng không, những trường hợp như Thành Ngưng chẳng khác nào như cái tát vào ngành Thể thao nước nhà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận