Khám phá

Về Tháp Mười ngắm sen

11/09/2016, 19:37

Gò Tháp còn là địa chỉ “đỏ”, thấm đẫm máu xương và công lao của những người con ưu tú của Tổ quốc.

Khung cảnh làng quê với những cánh đồng sen tại Tâ
Khung cảnh làng quê với những cánh đồng sen tại Tân Kiều, Tháp Mười, Đồng Tháp

Không chỉ nổi tiếng là vùng căn cứ địa kháng chiến, Gò Tháp còn là địa chỉ khảo cổ quan trọng của nền Văn hóa Óc Eo và là nơi khiến tâm hồn du khách cảm thấy vô cùng thư thái bởi vẻ đẹp của những đóa sen nở rộ.

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Theo hướng dẫn của Ban quản lý (BQL) khu di tích Gò Tháp, tôi chạy xe trên con đường được xây dựng bằng đá granite đi xuyên qua Gò Tháp. Dù là cuối mùa nhưng hương sen, sắc sen, vị sen quyện hòa cùng gió tạo nên một sự quyến rũ lạ thường.

Trên cánh đồng sen là những chòi lá được cất theo kiểu nhà sàn phục vụ ẩm thực cho du khách sau chuyến tham quan các chùa ở Gò Tháp.

Gò Tháp rộng gần 300 ha nằm trên địa phận xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười với nhiều gò nhỏ, thấp nằm trên vùng đất pha cát. Xung quanh có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ sinh thái rừng tràm phát triển mạnh. Địa danh Gò Tháp gắn liền với tên tuổi hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương), Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều). Từ lâu, nơi đây được tỉnh Đồng Tháp quy hoạch là khu du lịch tâm linh.

IMG_4649
Khu đền thờ Anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều

Bà Huỳnh Thị Ngẫu (tự Út Nhành), người dân Đồng Tháp cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở đây hơn 70 năm. Bà biết rành rọt về vùng đất trù phú, được thiên nhiên ban tặng này. Bà Út kể: Thời bà còn thiếu nữ, từ xã Mỹ Hòa vào khu Gò Tháp toàn là sen. Sen bạt ngàn. Sen không ai trồng mà mọc tự nhiên theo con nước. Mùa sen nở cả cánh đồng ngập tràn hoa với nhiều màu sắc và ngạt ngào hương thơm. “Câu hát “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” không biết ra đời từ đó hay không nhưng lột tả đúng ý nghĩa về vùng đất này”, bà Út nói.

Vừa ngắm sen vừa thưởng thức đặc sản từ sen

Gò Tháp còn là địa chỉ “đỏ”, thấm đẫm máu xương và công lao của những người con ưu tú của Tổ quốc trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều đã chọn nơi đây làm “Đại bản doanh” kháng chiến chống Pháp từ năm 1862-1866. Còn đó chiến công của Giải phóng quân đánh sập Viễn vọng đài (Tháp mười tầng, cao khoảng 40m) năm 1960, do chính quyền Ngô Đình Diệm xây lên để chống phá cách mạng.

Không chỉ nổi tiếng là vùng căn cứ địa kháng chiến, Gò Tháp còn là địa chỉ khảo cổ quan trọng của nền văn hóa Óc Eo, thuộc Vương quốc Phù Nam, thế kỷ II trước CN đến thế kỷ thứ XII sau CN ở Đồng bằng Nam bộ.

Theo ông Ngô Văn Thái, Giám đốc BQL khu di tích Gò Tháp, du khách đến đây còn hướng đến những giá trị tâm linh. Quần thể di tích Gò Tháp có 5 di tích tiêu biểu như: Gò Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ cụ Đốc Binh Kiều, miếu Bà Chúa xứ. Tại đây, hàng năm có hai lễ hội lớn, lễ Vía Bà Chúa Xứ rằm tháng 3 (âm lịch), lễ giỗ hai cụ Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều rằm tháng 11 (âm lịch).

IMG_4681
Hệ thống đường giao thông vào khu di tích Gò Tháp được xây dựng cơ bản hoàn chỉnh

Năm 2012, khi di tích Gò Tháp được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Mỗi kỳ lễ hội có khoảng 300 nghìn lượt khách thập phương thăm viếng Gò Tháp, tưởng nhớ tiền nhân, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, mua bán nhộn nhịp làm cho những ngày lễ thêm tưng bừng náo nhiệt. Đầu năm 2016, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây trôm là cây di sản Việt Nam, lượng khách du lịch đến đây ngày càng tăng.

Không chỉ ngắm sen, du khách đến Tháp Mười còn được thưởng thức những đặc sản từ vùng đất này. Cá lóc nướng rơm cuốn lá sen non là đặc sản chỉ có ở vùng Tháp Mười. Gỏi gà ngó sen cũng là một nét khác biệt của vùng đất này. Những món ăn khác như: Xôi sen, chè sen, rượu sen… đã thu hút nhiều du khách đến thưởng thức.

Ngoài ra, Tháp Mười còn có những đặc sản miền sông nước khác như: Canh chua cá linh bông điên điển, thịt chuột đồng nướng, cua đồng rang me, canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, lẩu mắm… Các món ăn bổ dưỡng được chế biến theo phương pháp và hương vị truyền thống đặc trưng của người miền Tây như mời gọi du khách đến thưởng thức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.