Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu nghe Tổng giám đốc VEC giới thiệu về dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai trong dịp thông xe |
Nòng cốt phát triển đường cao tốc Việt Nam
Ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết, hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Để đầu tư được mạng đường bộ cao tốc quốc gia cần phải có nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn lực của Việt Nam những năm qua gặp nhiều khó khăn. Vốn ODA ngày càng hạn hẹp, ngân sách Nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Thực tế trên đòi hỏi cần có các giải pháp thích hợp để thu hút các nguồn vốn khác trong và ngoài nước để đầu tư đường bộ cao tốc.
* Thời gian qua, VEC đã và đang đầu tư 550 km đường cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 125.000 tỷ đồng. Từ 50 km đường cao tốc đầu tiên là Cầu Giẽ - Ninh Bình được đưa vào khai thác tháng 6/2012, đến nay VEC đã đưa tiếp 266 km, nâng tổng số lên 316 km đường cao tốc vào khai thác và đến năm 2015 sẽ hoàn thành 350 km đường cao tốc. VEC đã có doanh thu từ nguồn thu phí, năm 2014 đạt trên 600 tỷ đồng và sẽ thu trên 1.000 tỷ đồng vào những năm tiếp theo. Đồng thời, VEC đã kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân hợp tác đầu tư các công trình phục vụ, quảng cáo dọc tuyến, thực hiện xã hội hóa công tác thu phí, bảo trì... * Tính đến tháng 10/2014, sau tròn 10 năm hình thành, VEC được giao làm chủ đầu tư 7 dự án đường cao tốc, trong đó có 5 dự án với tổng chiều dài là 540 km, đã và đang được thực hiện đầu tư với tổng vốn đầu tư là 125.572 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án 71.555 tỷ đồng, chiếm 57%, VEC vay lại và huy động 54.017 tỷ đồng, chiếm 43%. Tài sản hình thành của VEC quản lý quy đổi thành tiền (với giá trị cộng dồn từ khi xây dựng tới nay) khoảng 51.000 tỷ đồng. |
“Trong bối cảnh đó, VEC được thành lập với sứ mệnh là đơn vị nòng cốt để tiếp nhận và huy động các nguồn vốn (trái phiếu, vay nước ngoài) để đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia, tiếp nhận các nguồn vốn vay nước ngoài. Đây là doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia, một lĩnh vực cần vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng dài, việc thu phí hoàn vốn khó khăn. Khi đánh giá về hiệu quả đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: Đầu tư đường bộ cao tốc quốc gia mang lại hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế, nhưng hiệu quả tài chính của bản thân dự án và nhà đầu tư không cao”, ông Việt nói.
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cũng cho biết, từ mô hình cổ điển là trông chờ vào nguồn vốn ngân sách rót xuống, đầu tư xong công trình, chuyển giao cho đơn vị khai thác là hết trách nhiệm, VEC vừa phải tự tìm kiếm, huy động các nguồn vốn, sau đó triển khai đầu tư các tuyến đường một cách hiệu quả nhất để có thể sớm thu hồi vốn, tạo nguồn lực để tái đầu tư vào các dự án đường cao tốc khác. Sự chủ động, gắn trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm đã đầu tư là một trong những nét ưu việt rõ nhất trong mô hình mới này.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng cho biết, với đặc điểm là mô hình chưa từng có tiền lệ, lại hướng tới một lĩnh vực hạ tầng đòi hỏi một lượng vốn đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài nên đây vừa là bước đột phá táo bạo, bước chuyển lớn về tư duy đầu tư song cũng đặt ra cho tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên VEC trách nhiệm nặng nề.
Trên thực tế, không dễ để Tổng công ty vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức rất lớn trong thời gian đầu hoạt động như: Cơ chế chính sách huy động, quản lý đầu tư trong nước chưa đồng bộ, có độ vênh lớn với những quy định của nhà tài trợ; lượng vốn được giao ban đầu để hình thành vốn điều lệ rất hạn chế - chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng; bộ máy nhân sự vừa làm, vừa tự đào tạo để hoàn thiện.
Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai |
Trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp
Giai đoạn 5 năm đầu tiên, VEC vừa phải xây dựng, định hình tổ chức vừa phải triển khai chuẩn bị đầu tư, lo vốn, xây dựng các dự án đầu tay, chạy đua với thời gian để đạt được các mục tiêu mà Chính phủ, Bộ GTVT giao. Với một bối cảnh đầy khó khăn, thử thách, VEC đã từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức, kêu gọi xúc tiến vốn đầu tư thành công cho nhiều công trình trọng điểm như: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong 5 năm tiếp theo, đặc biệt trong khoảng 3 năm gần đây là giai đoạn VEC bắt đầu tăng tốc với việc lần lượt khởi công thêm nhiều dự án lớn như: Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Bến Lức - Long Thành, đồng thời với việc đưa vào khai thác một loạt các dự án lớn, mang lại những khoản doanh thu đầu tiên từ hoạt động thu phí.
Ông Tuấn Anh cho biết, áp lực đối với giai đoạn này là rất lớn. Trong bối cảnh, tổng dư nợ của Tổng công ty đã lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, các sản phẩm đầu tay chưa có để khẳng định tính đúng đắn của mô hình thí điểm nên đã có thời điểm một số cơ quan quản lý Nhà nước đã đề nghị xem xét lại hoạt động của VEC, thậm chí cảnh báo nguy cơ VEC có thể trở thành một “Vinashin” thứ hai.
“Chính vì vậy, việc VEC huy động thành công được hơn 106.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay trong nước, trái phiếu công trình và từ các tổ chức quốc tế… để đầu tư cho 5 dự án đường cao tốc trọng điểm là một thành tích rất đáng ghi nhận. Quan trọng hơn, VEC đã thực sự trở thành một nhà đầu tư lớn, một đơn vị cung cấp dịch vụ đường cao tốc chuyên nghiệp”, ông Tuấn Anh nói.
Tiếp tục tái cơ cấu toàn diện
Theo ông Trần Quốc Việt, trong những năm tới, VEC sẽ hoàn thiện Đề án tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức và hoạt động. Đây là việc làm hết sức cấp bách để phát huy thế mạnh, ổn định sản xuất kinh doanh, mở rộng, phát triển đầu tư và khai thác tối đa các nguồn lực. VEC cũng tiếp tục huy động được các nguồn vốn trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc với tổ chức gọn nhẹ, hợp lý, có hiệu quả, đảm bảo thực hiện việc quản lý phần vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án xây dựng đường bộ cao tốc của VEC, quản lý chặt các nguồn thu để đảm bảo hoàn trả đầy đủ các khoản vốn do VEC đã huy động và có sự tích lũy để đầu tư các dự án mới.
Ông Mai Tuấn Anh cũng cho biết, nhiệm vụ mà Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra cho VEC là rất nặng nề. Cùng với việc quản lý chặt, tránh xảy ra tham nhũng, lãng phí và hoàn thành đúng tiến độ các dự án, VEC phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách giúp Tổng công ty cải thiện cơ bản năng lực tài chính, có thể hoàn vốn, trả nợ các khoản vay và để tiếp tục đảm nhận đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác trong thời gian tới.
Ông Tuấn Anh cho biết thêm, VEC cũng sẽ thực hiện triển khai đồng bộ công tác vận hành, bảo trì, khai thác các tuyến đường cao tốc hiện có một cách chuyên nghiệp, bài bản nhằm cung cấp những dịch vụ chất lượng cao, thực sự an toàn cho người tham gia giao thông. Đây là vừa là nguồn thu chính để trả nợ, tái đầu tư vừa là thước đo quan trọng nhất đối với Tổng công ty trong vai trò là một đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng.
“Sau 10 năm hoạt động, đây là thời điểm VEC phải nỗ lực triển khai Đề án tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty theo yêu cầu của Bộ GTVT mà đích đến chính là việc tiếp tục giữ vững vai trò là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nền tảng tài chính lành mạnh, thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoài xã hội đóng vai trò chủ lực trong việc hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 1.000 km đường cao tốc sau 5 năm nữa”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Hà Thanh Oai
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận