Trong nước

VFF “rối như canh hẹ” trước thềm đại hội

26/03/2018, 06:32

Những phát ngôn, động thái của bầu Đức đang khiến bầu không khí bóng đá Việt Nam trở nên ngột ngạt.

24

Ông Trần Anh Tú bị bầu Đức phản ứng quyết liệt khi được giới thiệu vào vị trí Phó chủ tịch VFF

Những phát ngôn, động thái của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính, tài trợ về vấn đề nhân sự trước thềm Đại hội VIII Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang khiến bầu không khí bóng đá Việt Nam trở nên ngột ngạt.

Bầu Đức quyết chơi tới cùng

Theo lịch dự kiến, trung tuần tháng 4, Đại hội VFF lần thứ VIII sẽ diễn ra. Tuy nhiên, như đã thành tiền lệ, trước mỗi kỳ đại hội, bộ máy VFF luôn có vấn đề. Lần này, bầu Đức là người “châm lửa” khi kiên quyết phản đối việc ông Trần Anh Tú, Ủy viên thường trực VFF, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có tên trong danh sách ứng viên vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính, tài trợ vì đã nắm quá nhiều chức vụ, đồng thời là ứng viên duy nhất cho vị trí trên.

Thậm chí, người đứng đầu CLB HAGL còn tuyên bố, sẵn sàng bỏ bóng đá chuyên nghiệp nếu ông Tú được bầu. Trước phản ứng gay gắt của bầu Đức, khá bất ngờ khi ông Tú đáp trả rất chừng mực. “Tôi và bầu Đức hay bất kỳ người nào muốn đóng góp cho bóng đá Việt Nam đều cần bắt tay nhau, hợp tác mới cho ra kết quả tốt. Còn nếu mỗi người một ý, mạt sát nhau sẽ chẳng đi đến đâu”, ông Tú chia sẻ với Báo Giao thông.

Trong khi đó, Báo Giao thông liên lạc với Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn để hỏi về vụ lùm xùm trên thì nhận được câu trả lời: “Quá trình chuẩn bị đại hội có nhiều tiểu ban khác nhau, tôi không nằm trong Tiểu ban nhân sự nên không nắm được cụ thể. Mời các anh liên lạc với anh Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký”.

Tiếp tục đặt vấn đề tương tự cho Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh, Báo Giao thông vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng. “Vấn đề này tôi không được phép trả lời nên không thể phát ngôn trước báo giới”, ông Lê Hoài Anh đáp ngắn gọn.

Mặc dù vậy, trong một thông báo phát đi mới nhất, VFF đồng ý để các tổ chức thành viên giới thiệu thêm nhân sự vào Ban chấp hành cũng như các vị trí chủ chốt, hạn cuối là ngày 31/3.

Đem những lùm xùm liên quan đến vấn đề nhân sự khóa VIII VFF cùng sự “lảng tránh” của VFF trao đổi với ông Lê Thế Thọ, nguyên Phó chủ tịch VFF, ông Thọ nhận định: “Vấn đề cốt lõi trong mỗi tổ chức xã hội nghề nghiệp là phải minh bạch. Mọi việc đều cần minh bạch chứ không phải cái này công khai còn cái kia thì không. VFF có thể trách bầu Đức phản ứng thái quá nhưng bản thân tổ chức này chưa khiến mọi người tâm phục. Nếu tất cả được công khai, không giấu giếm, kể cả việc mỗi ứng viên khóa tới nhận được bao nhiêu đề cử, tôi tin sẽ không có chuyện gì xảy ra”.

Cần tập hợp được người tài

Đại hội VFF diễn ra đúng thời điểm bóng đá Việt Nam đang có nhiều khởi sắc. Sau thành công của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á 2018, V-League 2018 đang khoác lên mình màu áo mới. Trên các sân cỏ cả nước, bầu không khí trở nên sôi động và con số khán giả liên tiếp lập kỷ lục.

Chính bởi vậy, giới chuyên môn kỳ vọng Đại hội VFF nhiệm kỳ 2018 - 2022 sẽ chọn ra được bộ máy lãnh đạo đủ tài, đủ tâm để phát huy nguồn lực bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, việc hai trong số những cá nhân có tầm ảnh hưởng nhất tại VFF nhiều năm qua dính vào mâu thuẫn khiến dư luận không khỏi nghi ngại. Bất chấp bầu không khí đã có phần lắng xuống sau khi ông Tú tuyên bố rút khỏi hai ghế ở VPF (Tổng giám đốc và Trưởng Ban điều hành giải), nhưng rõ ràng ngôi nhà VFF trong hoàn cảnh nào cũng tồn tại mâu thuẫn, thiếu đoàn kết...

Nhìn theo hướng rộng hơn, nguyên Phó chủ tịch VFF Lê Thế Thọ nói: “VFF không phải là nơi dành cho cá nhân tư lợi, bòn rút. Những người vào VFF phải làm vì cái chung, không vướng mắc bất cứ cái gì thì mới có thể làm tốt. Chỉ cần người đứng đầu làm tốt, biết điều hành, biết tập hợp người tài thì tất yếu cả bộ máy sẽ vận hành trơn tru. Những vị trí bên dưới thì nhất định phải giỏi chuyên môn”.

Đặt sang một bên những lùm xùm quanh công tác nhân sự, chuyên gia Trịnh Minh Huế khẳng định: “Tôi dám chắc là ai ngồi vào các vị trí lãnh đạo của VFF đều khó có thể làm tốt vì quy chế hoạt động của VFF, quy chế bóng đá chuyên nghiệp tồn tại nhiều lỗ hổng, khó quản lý. Nhưng để thay đổi toàn bộ quy chế thì không đơn giản. Vì vậy, tình thế trước mắt, VFF nên mở một hội nghị để những ứng viên chủ tịch, phó chủ tịch đưa ra cương lĩnh tranh cử. Anh muốn điều hành nền bóng đá thì cần làm gì, cụ thể như thế nào. Đó là cơ sở để bầu ra những người xứng đáng nhất, phù hợp nhất”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.