Giao thông

Bến xe "chết yểu" vì xe dù, bến cóc

08/01/2018, 05:51

Bến phía Nam TP Đà Nẵng không một bóng xe khách, phòng vé, nhà ga chờ cũng lâm cảnh "chợ chiều"...

1

Bến xe Long Khánh (Đồng Nai) vắng vẻ vì nhiều nhà xe bỏ bến ra ngoài chạy dù - Ảnh: Vĩnh Phú

Vừa khai sinh… đã bị "báo tử"

Dù là bến được đầu tư hiện đại với số tiền hàng trăm tỷ đồng, hay những bến loại nhỏ cấp huyện, thị đã hoạt động lâu năm đều rơi vào cảnh đìu hiu, chợ chiều, thậm chí trong tình cảnh ngắc ngoải do xe bỏ bến chạy dù.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại bến xe phía Nam TP Đà Nẵng (bến xe Đức Long) vắng tanh, không một bóng xe khách đậu đỗ. Trong khuôn viên rộng hàng nghìn m2, phòng vé, nhà ga chờ cũng lâm cảnh “chợ chiều”. Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư bến xe phía Nam TP Đà Nẵng) cho biết, nhà đầu tư bỏ 150 tỉ đồng để xây dựng bến xe phía Nam với tiêu chuẩn bến xe loại 1, có năng lực khai thác lên đến 800 -1.000 lượt xe xuất bến/ngày. Thế nhưng, hiện nay bến đang lâm cảnh “chết yểu”. Cả bến xe rộng gần 6ha nhưng chỉ có vỏn vẹn 7 nhân viên túc trực đóng lệnh cho 12 lượt xe/ngày, tổng mức phí chưa đến 2 triệu đồng.

Tương tự, bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý được coi là bến xe kiểu mẫu đầu tiên ở Hải Phòng, được đầu tư 50 tỷ đồng với mục tiêu thay thế bến xe Tam Bạc bị xóa bỏ làm công viên. Thế nhưng hơn 2 năm qua, bến xe này luôn trong tình cảnh vắng như “chùa Bà Đanh”. Quy mô có thể tiếp nhận trên 1.000 xe/ngày, nhưng hiện nay mỗi ngày bến xe Thượng Lý chỉ đón chưa đến 100 lượt xe, chưa đến 10% thiết kế.

Không chỉ những bến xe được đầu tư lớn, nhiều bến xe huyện, thị cũng đang kêu cứu vì vắng khách. Tại bến xe Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), ghi nhận của PV, dù được đưa vào khai thác từ hơn 4 năm nay, nhưng giờ hoàn toàn vắng bóng xe khách. Khuôn viên bến xe rất rộng không hề có chiếc xe khách, xe buýt nào, thay vào đó là phế liệu… Theo một nhân viên của bến, bến xe lúc đầu cũng có khá nhiều xe ra vào. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao mà chỉ sau một thời gian ngắn các xe khách dần vắng bóng.

Các bến xe Long Khánh (TX Long Khánh), bến xe Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) cũng đang rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”. Quan sát cho thấy, dù là là dịp cao điểm Tết Dương lịch 2018 nhưng lượng xe ra vào Bến xe Long Khánh khá vắng vẻ. Những hình ảnh xe khách tấp nập ra vào bến các dịp cao điểm lễ, Tết giờ chỉ còn trong dĩ vãng.

Bến xe TX Kiến Tường (Long An) cũng chịu cảnh ế ẩm thê thảm. Ông Trần Quang Mẫn, Phó giám đốc bến xe Kiến Tường cho biết, lượng khách vào bến mấy năm trở lại đây giảm khoảng 50%, nhiều chủ xe “kêu trời” muốn bán xe chuyển sang nghề khác. Hiện, tại TX Kiến Tường có khoảng 30 xe loại 16 chỗ ngồi, hoạt động xuyên suốt bên ngoài bến, từ 3-4h sáng hàng ngày, thu hút một lượng khách rất lớn. Nhiều xe hoạt động trong bến đến giờ xuất bến chỉ có vài ba khách.

2

Bến xe Ninh Thuận luôn trong tình trạng vắng khách (chụp cuối tháng 12/2017) - Ảnh: Vĩnh Phú

Xe dù, bến cóc lộng hành

Hầu hết các bến rơi vào thảm cảnh chợ chiều đều do tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình lộng hành. Đơn cử tại Hải Phòng, loại hình xe dù núp bóng xe hợp đồng ngày càng nở rộ. Với lợi thế đi vào sâu trong nội thành, thậm chí len lỏi đến từng ngõ ngách để bắt khách, xe hợp đồng đang ngày ngày “vợt” khách của xe chạy tuyến cố định. Vào mạng internet rất dễ dàng nhận thấy những quảng cáo như: Nhận dịch vụ vận chuyển người đi khám chữa bệnh, đưa đón sinh viên…tại Hà Nội. Gọi vào các số điện thoại quảng cáo trên mạng, nhân viên của các nhà xe này đều nhận sẽ có xe đến tận nhà đón khách, chở đến tận nơi khách yêu cầu.

Ông Lưu Thành Đông, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng (đơn vị quản lý bến xe khách Thượng Lý) cho biết: Xe khách chạy dù đang hàng ngày khiến các DN vận tải hành khách cố định và DN đầu tư, quản lý bến xe lao đao. Phát hiện ra các DN bỏ bến chạy dù, chúng tôi còn chủ động cho nhân viên theo dõi, báo cáo các cơ quan chức năng. Cụ thể, ngày 25/11/2017, bến xe khách Thượng Lý đã có văn bản gửi Sở GTVT Hải Phòng và Quảng Ninh phản ánh, thời gian qua xe vận tải hành khách của HTX dịch vụ vận tải Gia Khánh có xe BKS 14B-017.05 với lộ trình xuất bến tại bến xe Thượng Lý đi Móng Cái (Quảng Ninh) đã vi phạm quy định vận tải khách tuyến cố định.

Tại TP.HCM, tình trạng xe dù, bến cóc cũng lộng hành không kém khiến các bến xe rơi vào cảnh bị sụt giảm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, trung bình mỗi năm lượng xe khách hoạt động ở bến giảm 5%. Nguyên nhân do nhiều nhà xe bỏ bến chạy dù bên ngoài. Một số nhà xe không cạnh tranh nổi phải bán xe.

Trái lại, nhiều tuyến đường trong khu vực nội đô đã trở thành bến cóc của rất nhiều nhà xe. Các xe Thành Bưởi, Thanh Thủy, Kim Hoàng, Năm Thùy, Huệ Nghĩa… sử dụng xe giường nằm 2 tầng đưa đón khách ở khu vực quận 5. Một số nhà xe khác như: Hoa Mai, Thiên Phú, Toàn Thắng…sử dụng xe 16 chỗ đón trả khách tại trung tâm quận đi các tuyến Vũng Tàu. “Sắp tới, nếu bến xe Miền Đông dời về quận 9, các nhà xe sẽ tiếp tục bỏ bến vì khách đi rất bất tiện” ông Huy lo ngại.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, quản lý bến xe Long Khánh (thuộc Công ty CP Bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai) cho biết, xe bỏ bến do ảnh hưởng của các công ty dịch vụ lập văn phòng bên ngoài đón khách. “Hiện, các nhà xe này vẫn hoạt động rầm rộ với số lượng lên đến 70-80 xe chạy ngày đêm gom hết khách của xe HTX. Bến xe Long Khánh đang hoạt động cầm chừng không biết được bao lâu nữa, bởi xe của các hợp tác xã sẽ bỏ bến ra ngoài hết”, ông Lộc ngán ngẩm.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Phương, Giám đốc bến xe Long An cho biết, mỗi ngày bến thất thu khoảng 2 triệu đồng. Một phần do ảnh hưởng từ các tuyến cố định chuyển sang buýt như: Tuyến buýt Đức Huệ, Hựu Thạnh (huyện Tân Thạnh), Mộc Hóa… có giá vào bến thấp hơn xe cố định, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu của bến. Một phần là do các nhà xe chuyển ra hoạt động đón trả khách bên ngoài, không vào bến.

Đại diện Công ty CP Bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai cho biết, thời gian qua, các HTX Long Khánh, Xuân Lộc liên tục phản ánh tình trạng xe khách “trá hình” không vào bến đón khách. Hiện tại, nhà xe Võ Cúc Phương còn mở thêm văn phòng tại huyện Cẩm Mỹ. Các nhà xe này hoạt động rầm rộ trái quy định pháp luật nhưng không bị xử lý triệt để.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng gặp khó

Tại tuyến xe khách bến xe trung tâm TP Thái Bình - bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), nhiều DN vận tải đang lâm vào tình trạng rất khó khăn. Đại diện DN Vận tải Hoàng Long cho biết: “DN chúng tôi trong năm 2017 lỗ tới 6 tỷ đồng tại tuyến vận tải Thái Bình - Hà Nội vì ít khách”.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2017, Hoàng Long đưa vào hoạt động tuyến xe khách chất lượng cao mang tên Hoàng Long Express với tiêu chí không bắt khách dọc đường. Thời điểm đó, TP Hà Nội có chủ trương đưa toàn bộ các xe khách chạy tuyến Thái Bình về bến xe Nước Ngầm. Hoàng Long đã xung phong hưởng ứng chủ trương này. Tuy nhiên, chủ trương đưa 100% xe chạy tuyến Thái Bình về bến xe Nước Ngầm đã không được thực hiện triệt để, một số xe vẫn được phép chạy từ bến xe Giáp Bát về Thái Bình. Từ nội thành Hà Nội đến bến xe Nước Ngầm xa hơn đến bến xe Giáp Bát 1,2km nên hành khách tập trung hết về bến xe Giáp Bát.

Thực trạng trên khiến các hãng xe tại bến xe Nước Ngầm rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”. Ví dụ, trong dịp Tết Dương lịch 2018 vừa qua, trong khi tại bến xe Giáp Bát người dân chen chúc lên các xe về Thái Bình, thì tại bến xe Nước Ngầm xe của Hoàng Long và nhiều DN khác vẫn phải chạy mà không đủ khách trên xe.

PV

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.