Xem - ăn - chơi

Vì đâu vở diễn dự liên hoan khó bán vé?

29/11/2017, 07:34

Cứ mỗi kỳ liên hoan, hội diễn toàn quốc hoặc quốc tế, nhiều tiết mục, vở diễn gặt hái được thành công...

28

Ca sĩ Tấn Minh và Khánh Linh trong một tiết mục trong chương trình “Trở về”

“Mashup” trích đoạn liên hoan để bán vé

Gom các tiết mục từng giành giải cao ở 3 kỳ liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp gần đây, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long vừa quyết định thực hiện một chương trình nghệ thuật để tiếp cận với khán giả mang tên Hà Nội xưa và nay theo hình thức mashup. NSƯT Tấn Minh, Giám đốc nhà hát này cho biết, chương trình là một bước đi mới để nhà hát thích nghi với cơ chế thị trường, bước ra khỏi vỏ bọc của cơ chế bao cấp.

Hà Nội xưa và nay mang tới không gian nghệ thuật độc đáo với hát xẩm, ca trù, nhạc nhẹ, múa dân gian và hip hop, để tôn vinh những giá trị truyền thống và đương đại của Thăng Long - Hà Nội qua nghệ thuật ca múa nhạc, với nhiều tiết mục đã đoạt giải thưởng tại các hội thi trong nước hay quốc tế như: Đêm ả đào, Cây vĩ cầm, Trở về… Trong đợt biểu dương lực lượng lần này, chương trình quy tụ những nghệ sĩ tài năng trong và ngoài nhà hát như: NSND Hoàng Anh Tú, NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Mạnh Tiến, NSƯT Tấn Minh, nhạc sĩ Dương Cầm, ca sĩ Khánh Linh, Minh Thu, Lô Thủy, Đông Hùng, dàn múa, dàn hòa tấu nhạc cụ…

Những tiết mục từng diễn hội thi sẽ được biên tập lại và xử lý kỹ càng để phù hợp với chương trình, nhưng vẫn giữ nguyên hồn cốt. NSƯT Tấn Minh tiết lộ, anh chỉ chọn một vài tiết mục có giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, có tính nghệ thuật cao để giới thiệu đến khán giả. Ngoài ra, vẫn có những phần trình diễn mới. Các tiết mục sẽ được xây dựng hài hòa về tính nghệ thuật và tính hấp dẫn, thời thượng, đại chúng. Có những tiết mục các nghệ sĩ đã đau đáu suốt nhiều năm và phải chuẩn bị rất lâu mới làm được.

Chia sẻ về việc bán vé, nghệ sĩ Tấn Minh tâm sự: “Tôi không quá tự tin nhưng tôi kiểm soát được việc mình đang làm. Toàn bộ ê-kíp làm việc đều là những người chuyên nghiệp và đã làm bên ngoài rất nhiều. Chúng tôi hiểu việc mình đang làm sẽ đạt được đến đâu. Đây là chương trình bán vé nhưng không giống các chương trình thương mại khác, chúng tôi muốn đưa tới công chúng những sản phẩm có giá trị truyền thống, chất lượng nghệ thuật cao được đầu tư kỹ lưỡng, nếu không có thời gian sẽ không làm được”.

Sự vay mượn, ăn xổi dễ “chết yểu”

Mỗi kỳ liên hoan, hội diễn ca múa nhạc toàn quốc ở Việt Nam hàng năm thường quy tụ đông đảo các đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Từ đó, số lượng tiết mục được dàn dựng hoành tráng, công phu, chất lượng tốt cũng được nâng tầm. Nhưng đáng nói, những tiết mục đoạt giải cao với HCV, HCB ấy lại không có số phận chung. Khảo sát một số nhà hát ca múa nhạc ở Hà Nội, đa số các tiết mục sau khi tham gia các kỳ hội diễn đều được các nhà hát tận dụng cho nhiều chương trình khác nhau. Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam tự chủ 10 năm, các tiết mục tham gia liên hoan, hội diễn của nhà hát này thực hiện theo kiểu “một công đôi việc”, vừa dựng tốt để vẫn có thể được giải lại vừa biểu diễn thường xuyên được. NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam tiết lộ, những tiết mục nhà hát tham gia hội diễn từ năm 2005, 2009 đến nay vẫn được diễn. Tùy từng tiết mục mà tham gia các buổi diễn ở các chương trình khác nhau.

Theo NSƯT Nguyễn Quang Vinh (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), không phải tiết mục nào đoạt giải cũng hoàn chỉnh để diễn phục vụ công chúng. Nhiều tiết mục dù không có huy chương nhưng khai thác tốt vẫn có hiệu quả. Bằng chứng là nhiều tiết mục của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tham gia hội diễn vẫn thường được biểu diễn. Vấn đề là người sử dụng có biết cách khai thác hay không. Và khi đưa tiết mục ra khai thác thương mại, phải có yếu tố thị trường hơn, trang trí cho màu sắc hơn, giải trí hơn. Đặc biệt, có thể khai thác ở nhiều dạng khác nhau như trao đổi trực tiếp, bán vé hoặc diễn theo hợp đồng. 

Nhưng không phải ở đâu cũng được như thế. NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chỉ ra, không ít đoàn nghệ thuật địa phương tham gia hội diễn, họ thường đi mượn, thuê người để xây dựng các tiết mục hoành tráng nhằm lấy giải, nhưng sau đó khi ra về, tiết mục “chết” vì đó chỉ là sự vay mượn. Theo ông, nhiều đoàn nghệ thuật ở Hà Nội cũng có đầu tư lớn, tiết mục đạt chất lượng tốt nhưng sau đó tiết mục có sử dụng được hay không lại là chuyện khác. Bởi, phải phù hợp với chức năng của mỗi chương trình và đơn vị. NSND Trần Bình đưa ra ý kiến, các đơn vị nghệ thuật chuyên ngành như công an, quốc phòng thường chỉ phục vụ cho ngành chứ khó đưa ra tiếp cận với công chúng được.

Đưa một tiết mục giành giải ở các hội diễn hay liên hoan ra kinh doanh bán vé là chuyện khác hoàn toàn và khó nói trước. Nếu chạm được vào tim khán giả sẽ dễ dàng được đón nhận. Nhưng cái khó là quy mô dàn dựng cho sân khấu ngoài trời ở hội diễn khác, mà đưa vào sân khấu bán vé trong nhà lại càng khác. NSND Phạm Anh Phương nhìn nhận thêm: “Đây là một bài toán của những người chỉ đạo nghệ thuật. Vì khi thực hiện vở tham gia hội diễn, liên hoan nên tính phương án dùng một lần hay nhiều lần, dùng với mục đích gì. Nếu anh có tiền thì chỉ làm 1 lần hoành tráng, rồi về bỏ đi. Còn nếu biết cách vận dụng thì về vẫn có thể dùng được”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.