Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một trong ba dự án đường sắt đô thị đang triển khai - Ảnh: Giang Huy |
2/3 dự án đường sắt đô thị vẫn… nằm trên giấy
Theo Ban QLDA Đường sắt đô thị, đến thời điểm hiện tại, mới có 3/9 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) được triển khai gồm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (do Bộ GTVT làm chủ đầu tư), tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội và tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Về tiến độ, không tính đến dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông (dự kiến vận hành thử vào cuối năm nay), 2 dự án còn lại đang được triển khai đều đang rất chậm.
Cụ thể, đến nay, dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội mới hoàn thành việc đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu, tổng giá trị các hợp đồng sau đấu thầu là 853,7 triệu euro. Dự án đã thi công được 30% tổng khối lượng và dự kiến hoàn thành, khai thác vào cuối năm 2021, chậm 36 tháng so với kế hoạch ban đầu. Còn tuyến ĐSĐT số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sau hơn 8 năm được phê duyệt, đến nay dự án vẫn nằm trên giấy.
“Nếu tiếp tục với tiến độ hiện tại, đến năm 2020 TP Hà Nội chỉ hoàn thành được 20% trên tổng khối lượng quy hoạch là 372km. Đến năm 2030, con số này chỉ đạt được 30%”, đại diện Ban QLDA Đường sắt đô thị thẳng thắn thừa nhận.
“Bắt bệnh, kê đơn”
Về nguyên nhân khiến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị mãi “lẹt đẹt”, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội chỉ rõ 8 “rào cản” gồm: Thủ tục đầu tư phức tạp, Luật Đấu thầu mới khó khăn, thủ tục ODA khó khăn, trần nợ công, GPMB, tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa có cơ chế đặc thù cho các dự án...
“Không phải không có nhà đầu tư quan tâm đến đường sắt. Chúng tôi cũng vừa làm việc với Tập đoàn Xuân Thành. Tuy nhiên, sau khi nghe trình tự đầu tư, phương án tài chính, thủ tục…, nhà đầu tư đã thấy nản”, ông Tứ nói và phân tích thêm: Nếu làm theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) thì khó đủ đất cho nhà đầu tư hoàn vốn. Còn nếu làm BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) thì không thu phí được. Tôi cho rằng trước mắt đến năm 2020 vẫn phải kiên trì với nguồn vốn ODA.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 372,5 km (bao gồm cả các đoạn kéo dài các tuyến đường sắt đô thị trung tâm kết nối với đô thị vệ tinh). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 31,42 tỷ USD. Trong đó, đến năm 2030 cần 18,29 tỷ USD, sau năm 2030 cần 13,13 tỷ USD. |
Cũng về vấn đề vốn đầu tư, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết thêm: Trong khi nguồn ngân sách cực kỳ hạn chế thì nguồn ODA do Chính phủ phân bổ vẫn được coi là nguồn quan trọng nhất. Thế nhưng, vốn vay ODA lại bị chi phối bởi trần nợ công. “Nếu theo cách tính thông thường thì Hà Nội chỉ vay tiền làm 2 dự án đường sắt đô thị đã hết trần nợ công”, ông Hà nhấn mạnh.
Hết sức lo ngại về tiến độ các dự án đường sắt đô thị, trong buổi làm việc mới đây với Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói: ĐSĐT là lối thoát chính cho giao thông Hà Nội thế nhưng cứ giữ cách làm này thì quá chậm. “Kinh tế Thủ đô tăng 8,2%. Dân cư vẫn tăng 1,9%, ô tô tăng 3%, xe máy tăng 8% trong khi tốc độ hạ tầng tăng như thế này thì hết sức nguy hiểm”, ông Hải nói và tỏ ý không bằng lòng với cách làm của Ban QLDA đường sắt đô thị.
“Theo kế hoạch, tháng 5 tới, các đồng chí dự kiến trình Quốc hội 3 dự án tiền khả thi mà bây giờ vẫn “im re”. Các đồng chí làm tiến độ thế đã thực chất chưa? Muốn trình dự án tiền khả thi ra quốc hội cần những bước gì các đồng chí đã tính hết chưa?”, ông Hải đặt câu hỏi.
“Các đồng chí cho rằng cần cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, trong 372km thì tỷ lệ ngầm chỉ có 20%, không phải là quá ghê gớm. Chủ yếu là phần nổi. Mà làm nổi thì công nghệ không quá khó khăn. Cái lớn nhất, khó nhất chỉ là GPMB, tiền vốn”, ông Hải nói và nhấn mạnh: Vừa rồi, mình xã hội hóa chưa tích cực. Doanh nghiệp đến mình vẫn còn ngúng nguẩy lắm. Về nguồn vốn, Bí thư Hà Nội cho rằng, trong khi ngân sách còn eo hẹp, việc bố trí và giải ngân ODA đang bị siết chặt, thì thành phố lại thiếu cơ chế linh hoạt để kêu gọi hợp tác công tư, thu hút vốn từ các doanh nghiệp. Đó là hạn chế lớn khiến thiếu nguồn lực để thực hiện các dự án.
Ngoài 2 vấn đề nêu trên, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ thiếu nhân sự quản lý, điều hành dự án, thiếu kinh nghiệm thực tế và sự phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả của các đơn vị liên quan là những trở ngại còn hiện hữu.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận