Trần Phi Sơn vẫn chưa có bến đỗ dù đã chia tay SLNA |
Bức tranh ảm đạm
Ngay từ thời điểm V-League 2017 còn chưa khép lại, một số CLB đã rục rịch kế hoạch nhân sự cho mùa giải 2018. Những tưởng đây là dấu hiệu báo trước một kỳ chuyển nhượng nhộn nhịp. Tuy nhiên, đã một tháng trôi qua, thị trường cầu thủ trước mùa giải 2018 vẫn rất ảm đạm. FLC Thanh Hóa do phải đá AFC Champions League nên đã bổ sung HLV Marian Mihail thay HLV Petrovic từ chức cách đây không lâu. Ngoài ra, đội Á quân V-League 2017 cũng giới thiệu được 5 tân binh gồm: Nguyễn Minh Tùng, Bùi Văn Hiếu từ Than Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Thành từ Becamex Bình Dương, Trịnh Quang Vinh từ CLB TP Hồ Chí Minh và Phạm Văn Nam từ Nam Định. Mặc dù vậy, tất cả đều không thuộc hàng số má.
CLB TP HCM tưởng chừng sẽ có một cuộc cách mạng nhưng đến nay chưa thể gây tiếng vang. Thanh Diệp, Ngọc Đức chỉ ở mức làng nhàng so với mặt bằng chung V-League. Cái tên được kỳ vọng nhất Trần Phi Sơn (mới hết hạn hợp đồng ở SLNA) vẫn đang ở trạng thái chờ. Nhà ĐKVĐ Quảng Nam cũng không ngoại lệ khi mới có duy nhất cầu thủ vô danh Văn Hà. XSKT Cần Thơ thâu nạp lão tướng Tô Vĩnh Lợi từ HAGL. Becamex Bình Dương, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng... hướng tới những cầu thủ trẻ tiềm năng. Hà Nội FC vừa chia tay hai ngoại binh chất lượng là Gonzalo và Hoàng Vũ Samson nhưng cũng chưa sốt sắng tìm người thay thế. Ngược lại, có thông tin đội bóng Thủ đô sẽ tiếp nhận một loạt cầu thủ trẻ từ lò PVF.
Đáng nói hơn, tình trạng này đã lặp đi, lặp lại nhiều mùa giải gần đây. Rất lâu rồi người hâm mộ không được chứng kiến một bản hợp đồng bom tấn, gắn với những cái tên xuất sắc. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, việc hầu hết các đội bóng đều khó khăn về tài chính khiến họ không thể mạnh tay trong việc mua sắm cầu thủ. “Ở V-League, nhiều đội bóng đều chỉ trông vào nguồn tài trợ cố định của ông bầu, ngân sách địa phương, ăn đong từng bữa nên khó yêu cầu họ vung tiền vào thị trường chuyển nhượng. Họ sẽ đợi để lấy những cầu thủ tự do, lót tay thấp”.
Tư duy cũ kỹ
Tuy nhiên, theo một nhà môi giới gốc Việt đã và đang làm việc tại Bundesliga, tiền không phải là vấn đề duy nhất kéo lùi chuyển nhượng V-League. “Bản thân tôi và nhiều nhà môi giới khác có những nguồn cầu thủ tốt, phù hợp với V-League nhưng cách làm của các đội bóng ở đây trở thành rào cản cho chính họ. Những cầu thủ giỏi, chất lượng, chuyên nghiệp không bao giờ chấp nhận thử việc và chịu mất tiền trung gian cho bên thứ ba ngoài đội bóng và người môi giới. Bên cạnh đó, họ còn quan niệm cầu thủ da trắng không bằng cầu thủ da đen. Như vậy là tự hạn chế nguồn cầu thủ”, nhà môi giới này nhận định.
Vẫn theo nhà môi giới trên, ngay cả nguồn cầu thủ nội ở V-League cũng hạn chế: “Các đội bóng khi đào tạo đều ràng buộc cầu thủ phải gắn bó đến một độ tuổi nhất định rồi mới được tìm bến đỗ mới. Độ tuổi này thường rơi vào 23-25 nên chúng ta thấy các vụ chuyển nhượng ở V-League thường ở độ tuổi 26-30. Mà với nền tảng cầu thủ Việt Nam, nhiều cầu thủ độ tuổi đó đã bắt đầu xuống phong độ”.
Trong khi đó, theo chuyên gia tiếp thị thể thao Phan Huy Hoàng, các CLB ở V-League chưa thể lên kế hoạch, định hướng chuyển nhượng một cách bài bản. “Thường thì gần sát đến mùa giải đội bóng mới cuống cuồng tìm cầu thủ bổ sung chứ không chủ động nhập cuộc sớm. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cách làm này một phần xuất phát từ việc không có tiền. Họ buộc phải nghe ngóng và đợi giá thấp”, ông Hoàng chia sẻ.
Ông Hoàng còn cho hay, nói là thị trường chuyển nhượng nhưng thực chất V-League không có thị trường chuyển nhượng như những nền bóng đá phát triển: “Các cầu thủ di chuyển CLB đều thuộc dạng hết hạn hợp đồng hoặc bị cắt hợp đồng. Cầu thủ, CLB hiếm khi tự liên lạc để mua bán. Nếu có liên lạc thì chỉ cho mượn và mượn. Thực trạng này dẫn tới số lượng các nhà môi giới rất ít. Nên nhớ, lực lượng này mới là những người giúp các đội bóng có cầu thủ chất lượng vì họ sở hữu nguồn cầu thủ. V-League giống như một mô hình khép kín, ở đó các CLB dùng đi dùng lại cầu thủ của nhau nên khó đòi hỏi chất lượng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận