Bộ GTVT đề nghị xe ôtô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm phải gắn hộp đèn taxi (Trong ảnh: Tài xế Grab đón khách trên đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn |
Không còn taxi điện tử
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, có tới 18 điều khoản trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ vào tháng 7/2018 đã được bỏ hoặc chỉnh sửa. Đáng chú ý, trong nội dung quản lý xe sử dụng hợp đồng điện tử tiêu biểu là Grab, Bộ GTVT đề xuất không còn khái niệm xe taxi điện tử.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mới đây, Bộ GTVT cho rằng, xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử sử dụng hợp đồng vận tải điện tử so với hoạt động của taxi có nhiều điểm tương đồng và cần có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau.
Vì vậy, Bộ GTVT đồng thuận với phương án xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm tiêu biểu như Grab sẽ được quản lý như xe taxi (phương án này sẽ bỏ quy định xe taxi điện tử) và bổ sung, làm rõ khái niệm về kinh doanh xe taxi như sau: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là việc sử dụng ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (gồm cả lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước chuyến đi được tính theo đồng hồ tính tiền hoặc tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng.
Bộ GTVT cho biết, theo phương án này, toàn bộ ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải quy định lộ trình thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của taxi.
Trong trường hợp quy định này được thông qua, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab sẽ phải gắn phù hiệu “xe TAXI”; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe. Đặc biệt, phải gắn hộp đèn trên nóc như taxi truyền thống. Các xe Grab cũng phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi.
Liên quan đến đề xuất nói trên, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, Grab bản chất là hoạt động kinh doanh vận tải nên phải được coi là taxi. Các xe này phải có bộ nhận diện riêng để phân biệt với xe gia đình. “Bản chất cùng là hoạt động taxi nhưng Grab lại là xe hợp đồng điện tử với quy định quản lý lỏng lẻo hơn và rất ít nghĩa vụ với Nhà nước, người lao động, khách hàng. Điều này giúp khách hàng, cơ quan quản lý dễ nhận diện đối tượng và dễ quản lý hơn, tạo bình đẳng các nghĩa vụ và trách nhiệm giữa các loại hình”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, những ý kiến bao biện rằng, nếu coi Uber, Grab là taxi sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ là rất vô lý. Việc quy định cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi là đúng bản chất, bảo đảm dễ quản lý và bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm. Còn doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp đó sẽ có lợi nhuận cao hơn.
Những dịch vụ như Grab, Uber đều được coi là kinh doanh vận tải
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, Grab và Uber đang kinh doanh vận tải, không đơn thuần cung cấp phần mềm. Theo ông Hùng, định nghĩa về kinh doanh vận tải trong dự thảo nêu rõ: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.
“Những dịch vụ như Uber, Grab hoặc tương tự đều được coi là kinh doanh vận tải, sẽ phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải theo pháp luật Việt Nam”, ông Hùng nói và cho rằng, tại Việt Nam, Grab và Uber đang điều hành và định giá cước vận tải nên họ đang kinh doanh vận tải. Dịch vụ vận tải bao gồm những công đoạn như: Tìm kiếm khách hàng, kết nối giữa khách hàng với người làm vận tải, định giá vận tải, thỏa thuận, vận chuyển, thanh toán. Uber, Grab chỉ mua công đoạn vận chuyển. Còn việc công bố dịch vụ, tên sản phẩm, điều hành sản phẩm theo yêu cầu về chất lượng của khách hàng, đến việc thỏa thuận, thanh toán đều do họ thực hiện, cho nên bản chất Uber và Grab là kinh doanh vận tải.
Cũng theo ông Hùng, người dân đang mua dịch vụ vận tải của Grab và Uber, không phải của doanh nghiệp vận tải hay hợp tác xã. Những nhà cung cấp nền tảng công nghệ có thể tham gia vào bất kỳ khâu nào của vận tải. Khi thông điệp dịch vụ đến người dân mang tên nhà cung cấp, họ phải chịu trách nhiệm với khách hàng về chất lượng, an toàn của dịch vụ.
“Uber, Grab chính là người ký hợp đồng với khách hàng, định giá cước, chịu trách nhiệm về thương hiệu, đồng nghĩa với việc Uber, Grab phải chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ đối với hành khách. Uber, Grab không phải là sàn giao dịch mà thực sự là kinh doanh vận tải. Hai đơn vị này đang mua yếu tố đầu vào là vận chuyển hành khách từ đối tác khác. Điều này cũng giống như sản xuất và bán ô tô, nhiều dòng xe của Toyota dùng động cơ của Yamaha, khi xảy ra lỗi khách hàng chỉ tìm đến Toyota vì anh bán xe dưới thương hiệu Toyota”, ông Hùng nói.
Hai luồng ý kiến trái chiều Bộ GTVT cho biết, quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 86 đã nhận được ý kiến từ nhiều cơ quan theo 2 nhóm: Thứ nhất, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Taxi 3 miền đề nghị hoạt động của Grab (xe dưới 9 chỗ thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng) cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi và không thể gọi đó là loại hình “Hợp đồng điện tử” vì không có trong quy định của Luật GTĐB. Cụ thể, toàn bộ ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải quy định lộ trình thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh của taxi. Luồng ý kiến thứ hai do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) và một số chuyên gia kinh tế đề nghị xe dưới 9 chỗ hoạt động vận tải khách có ứng dụng phần mềm sẽ được quản lý theo “hợp đồng vận tải điện tử”, “taxi điện tử” và cần bỏ một số quy định như thông báo danh sách hành khách về sở GTVT, bỏ quy định mỗi chuyến xe chỉ có 1 hợp đồng, bỏ quy định doanh nghiệp, HTX vận tải hợp đồng điện tử phải có bộ phận ATGT. T.Duy |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận