Thế giới

Vì sao Lào kêu gọi đàm phán song phương về biển Đông?

31/05/2016, 05:24
image

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith vừa bất ngờ kêu gọi giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng đàm phán “song phương”.

Trung Quốc xây dựng đường băng quân sự trên Biển Đ

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng đường băng quân sự trên Đá Chữ Thập, thuộc chủ quyền của Việt Nam

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith vừa bất ngờ kêu gọi giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng đàm phán “song phương”, đi ngược lại những tuyên bố chung mà ASEAN và cộng đồng quốc tế đưa ra trước đó.

ASEAN là trung tâm giải quyết

Trong cuộc phỏng vấn với The Nikkei ngày 29/5, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith kêu gọi giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng đàm phán “song phương”. Có thể hiểu, Thủ tướng Lào coi đây là vấn đề của riêng các nước có căng thẳng, không phải vấn đề của khu vực, ASEAN và cộng đồng quốc tế. Ông Thongloun còn nói: “Là Chủ tịch của ASEAN, Lào sẽ nỗ lực tạo một môi trường thân thiện để đàm phán tích cực giữa các nước có liên quan”.

>>>TRUNG QUỐC DÙNG KINH TẾ TRANH THỦ Sự ỦNG HỘ CỦA LÀO

Ông Thongloun cũng kêu gọi các nước kiềm chế những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông và nhấn mạnh, các nước ASEAN cần cẩn trọng khi đưa ra quyết định về vấn đề này. Bài phỏng vấn với Thủ tướng Lào được thực hiện bên lề chuyến thăm của ông Thongloun tới Nhật, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.

Lời kêu gọi trên rõ ràng đã đi ngược lại các tuyên bố chung của ASEAN cùng nhiều tổ chức khác và cộng đồng quốc tế. Hiện nay, nhiều nước trong khối ASEAN bao gồm Philippines, Việt Nam căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề biển Đông.

Trong đó, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc biển Đông. Song, Trung Quốc luôn ngang ngược thực hiện các hành vi bồi đắp, cải tạo trái phép làm thay đổi hiện trạng, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Trả lời Báo Giao thông, GS. Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và biển Đông của Học viện Quốc phòng Australia nhấn mạnh: “ASEAN là trung tâm chính trị để giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực”. Giáo sư đánh giá: “Gần đây, ASEAN đã có những tuyên bố chung cứng rắn về vấn đề biển Đông. Dù không để cập trực tiếp tới Trung Quốc nhưng rõ ràng các vấn đề bồi đắp đảo đá trái phép, tăng cường quân sự trên biển Đông đã khiến các nước thành viên của ASEAN căng thẳng, lo ngại.

ASEAN đang tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc bởi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và thành lập Bộ quy tắc ứng xử (COC). Về phía mình, Trung Quốc theo đuổi cách tiếp cận nước đôi - vừa đàm phán song phương trực tiếp với các nước có căng thẳng vừa điều khiển mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN trên biển Đông”.

Không là vấn đề của riêng nước nào

Tranh chấp trên biển Đông nằm trong phạm vi an ninh, an toàn hàng hải mà các nước trong khu vực và các nước có lợi ích cùng quan tâm, theo sát và giải quyết vì đây là tuyến hàng hải quan trọng của khu vực và thế giới. Thậm chí, Mỹ từng nhiều lần khẳng định “có lợi ích quốc gia” ở đây. Điều này đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố. Hơn nữa, việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp, cải tạo các đảo đá nhân tạo, xây đường băng, đưa máy bay quân sự ra khu vực này... có thể đe dọa an ninh trong khu vực.

Vì vậy, vấn đề biển Đông luôn nằm trong ưu tiên hàng đầu tại rất nhiều Hội nghị Thượng đỉnh, điển hình là Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (Việt Nam, Lào là một trong những khách mời) và rất nhiều hội nghị các cấp của ASEAN. Tới đây, hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á chuẩn bị tổ chức tại Singapore (3-5/6) cũng dự kiến bàn luận xoay quanh hành vi trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Xem video Hệ thông K-300P Việt Nam có thể tấn công căn cứ Tam Á:

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa kết thúc cuối tuần qua, lãnh đạo các cường quốc ra tuyên bố chung kêu gọi “tất cả các nước cần tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, khẳng định mọi tuyên bố chủ quyền phải phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, thúc giục các nước liên quan trong tranh chấp không thực hiện “những hành động đơn phương có thể khiến căng thẳng gia tăng”, không sử dụng “vũ lực hoặc cưỡng ép” nhằm thúc đẩy, củng cố các tuyên bố chủ quyền”.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ được tổ chức ở Sunnylands hồi tháng 2 vừa qua, cũng ra tuyên bố chung: “Tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong cấu trúc khu vực đang định hình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và “cùng cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)... Đặc biệt, các bên cùng cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức chung trong lĩnh vực biển”.

Là Chủ tịch ASEAN, đáng lẽ Lào cần phải thúc đẩy vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và có quan điểm thống nhất với tuyên bố chung đã được các nước ASEAN đồng thuận.

Trung Quốc muốn tập trận chung với ASEAN

Trung Quốc vừa ra lời kêu gọi tập trận chung với các nước ASEAN, theo Bangkok Post ngày 30/5. Đây là lời kêu gọi được xem là… thường niên, lặp lại lời kêu gọi tương tự hồi năm ngoái. Lời kêu gọi này được ông Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đưa ra trong cuộc gặp với những người đồng cấp ASEAN, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 10 (ADMM 10), được tổ chức tại Lào cuối tuần trước. Tuy nhiên, hiện chưa có thỏa thuận nào đạt được giữa các bên.

Nhận định về lời kêu gọi trên, Chuyên gia Thitinan Pongsuhirak của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho rằng, Trung Quốc đang cố gắng bắt kịp Mỹ trong chính sách ngoại giao và tổ chức diễn tập chung. Đồng thời cho thấy, ASEAN đang đóng một vai trò nhất định và khiến Bắc Kinh không thể xem thường “luật chơi chung” của khu vực. Còn Yun Sun, một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Henry L.Stimson của Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của khu vực và tìm kiếm đồng minh từ các quốc gia ASEAN, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á vào tháng tới.

Hương Mai

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.