Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo |
Sáng 28/4, Hội Nhà báo Việt Nam, Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam và báo Nhân dân phối hợp tổ chức Hội thảo Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, thời gian qua, MTTQ và báo chí đều tham gia phản biện, giám sát nhiều vấn đề người dân quan tâm, tuy nhiên, lại không có chế tài để xử lý.
Thậm chí có những vụ việc báo chí nêu lên liên quan đến các quận, huyện, phường..., nhưng những nơi đó dường như không “tỏ thái độ” gì cả. Hay có những khi báo chí đi xin những tài liệu công khai để phục vụ cho việc thông tin, nhưng xin 5-6 lần không được. “Vậy phải làm sao để nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình?” – ông Nhân đặt câu hỏi.
Nhà báo điều tra: Vất vả, nguy hiểm, nhiều rủi ro
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong đưa ra 4 nguyên nhân tạo ra các rào cản khiến ít nhà báo dám dấn thân vào lĩnh vực điều tra chống tham nhũng, trong đó có nguyên nhân vì lĩnh vực này này quá vất vả, khó khăn, đặc biệt phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm. “Đương nhiên, một nửa sự thật không phải là sự thật. Nhưng với những bài báo chống tham nhũng, tiêu cực thì chỉ cần 1%, chỉ cần một chi tiết không đúng, hoặc không có chứng cứ cũng đủ mang lại rủi ro rất lớn rồi” – ông Sưởng nói.
Từ thực trạng ấy, ông kiến nghị cho rằng cần có 3 vành đai bảo vệ nhà báo, trước hết là vành đai hành lang pháp lý, thứ hai là hành lang mà cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản phải đứng ra bảo vệ phóng viên, và thứ ba là bản thân nhà báo phải bảo vệ mình.
Cũng đồng tình với nhận định này, từ kinh nghiệm thực tế khi bảo vệ quyền lợi cho các nhà báo khi vướng vào vòng tố tụng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, Luật sư, TS. Phan Trung Hoài thì cho rằng, trong cuộc đấu tranh này, nhà báo luôn đứng trước nguy cơ, thách thức rất lớn, vì đối tượng tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn.
Theo TS. Hoài, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, có 3 điều cấm trong luật mà nhà báo dễ mắc phải: Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư và quy kết tội danh khi chưa có bản án. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần trang bị cho các phóng viên bên cạnh kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp phải có kiến thức về pháp luật.
Ở một góc độ khác,Trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao nhìn nhận cuộc đấu tranh chống tham nhũng của báo chí dưới góc nhìn của một người từng 30 năm công tác ở toà án.
Trung tướng Trần Văn Độ nhận định thời gian qua, với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng hoặc vụ án tham nhũng đều có vai trò, đóng góp lớn của báo chí. Báo chí ngoài phát hiện tiêu cực, còn phát hiện được những sai sót trong xử lý của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho rằng báo chí giám sát không có chế tài xử lý, nhưng Trung tướng Trần Văn Độ lại cho rằng đó chỉ về mặt pháp luật, còn về mặt dư luận xã hội, sự giám sát của báo chí là một chế tài rất mạnh mẽ. “30 năm làm toà án, tôi hiểu áp lực của dư luận xã hội và báo chí là cực kỳ lớn. Giống như vụ Lê Văn Luyện - đứa trẻ 17 tuổi mang tội giết người, báo chí đăng 4.000 bài báo, đến nỗi một GS, ĐBQH còn áp lực đến mức đã kiến nghị hạ tuổi vị thành niên xuống để tử hình Lê Văn Luyện” – ông Độ nêu ví dụ chứng minh sức ép lớn từ báo chí.
Tuy nhiên, ông Độ cũng góp ý cách đưa tin của báo chí khi quá tập trung vào những chi tiết bạo lực, rùng rợn. Từ thực tế ấy, ông cho rằng báo chí cũng cần phải nhân văn, như thế mới tạo ra xã hội nhân văn.
“Khi xây dựng BLHS, tôi cũng đề nghị giảm án tử hình, bởi tôi cho rằng vấn đề quan trọng không phải tử hình, mà làm sao thu hồi được tài sản tham nhũng. Mỗi năm có khoảng vài nghìn án tử hình, tức là có vài nghìn gia đình, vài nghìn dòng họ đi ra đường không dám ngẩng mặt lên với ai, tạo ra một khung cảnh xã hội đen tối, không thể nhân văn và đồng lòng phát triển được” – ông Độ góp ý.
Tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ
PGS.TS Nguyễn Văn Dững – Trưởng khoa báo chí, Học viện báo chí tuyên truyền đánh giá, thực tế ở nước ta trong nhiều năm trở lại đây cho thấy tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp: quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng phổ biến, hình thức biểu hiện ngày càng trơ trẽn, sự cấu kết lợi ích nhóm ngày càng chặt chẽ và có hệ thống. Đặc biệt, tham nhũng ở 3 lĩnh vực. Thứ nhất là tham nhũng về đất đai. Thứ hai là tham nhũng trong quy hoạch dự án. Thứ ba là tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
“Tham nhũng trong các lĩnh vực trên đây cùng với tham nhũng vặt, bảo kê,...nhìn đâu cũng thấy, ngày càng phổ biến, có sự cấu kết chặt chẽ lợi ích nhóm đang phá hỏng nền kinh tế-xã hội, làm bất ổn đời sống, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khủng hoảng xã hội, làm cạn kiệt sức mạnh quốc gia, phá hỏng niềm tin của dân đối với Đảng và Nhà nước, làm suy kiệt nguồn sức mạnh mềm, phá hỏng sức mạnh mềm quốc gia và uy hiếp sự tồn vong của chế độ xã hội” – ông Dũng nêu quan điểm và đặt câu hỏi: “Chúng ta có chống được tham nhũng không? Ai chống và chống ai? Chống tham nhũng thì cần dựa vào ai?”.
Ngay sau đó, trả lời câu hỏi này, ông cho rằng chống tham nhũng cần phải dựa vào dân, bởi “dân luôn luôn đúng”, dư luận xã hội luôn đúng, vì đó là dư luận của nhân dân.
Trước ý kiến phản ánh việc tiếp cận các kết luận thanh tra rất khó khăn, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vừa qua mặt trận đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, qua đó đã kiến nghị phải làm tốt hơn vấn đề thông tin, vì đây là nguồn tin cho báo chí. Tới đây, mặt trận sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, và sẽ kiến nghị công bố kết quả thanh tra, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tiếp cận nguồn thông tin.
Ghi nhận các ý kiến phản ánh, ông Nhân cho biết, tới đây sẽ tiến hành giám sát cả việc thực hiện quy chế phát ngôn, giám sát việc mở cửa, minh bạch thông tin, nhất là trong các vấn đề quyết định thanh tra, đấu thầu…
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận