ĐB Trần Thị Quốc Khánh |
Tuần qua, các thành viên đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các địa phương về việc thực hiện chính sách pháp luật trong cải cách bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016. Qua đó chỉ ra không ít nơi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Vì sao lại có tình trạng như vậy? Báo Giao thông trao đổi với một số Đại biểu Quốc hội.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học- công nghệ và môi trường): Lạm phát cấp phó
Thực tế, qua giám sát cho thấy còn rất nhiều tồn tại, bất cập cần giải quyết. Thứ nhất, là sự lúng túng trong bố trí sắp xếp bộ máy nhà nước, thể hiện từ T.Ư xuống địa phương, gây ra tình trạng chồng chéo, bất cập trong bộ máy. Thứ hai, là bất cập trong cải cách hành chính, xã hội hóa dịch vụ công. Có một thực tế là lực lượng phục vụ công tác hành chính công của các lĩnh vực y tế, giáo dục rất đông, nhưng không năm nào giảm được mà đều tăng. Trong khi chúng ta chủ trương cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà biên chế lại không giảm thì đây là vấn đề cần xem xét lại.
Ngoài ra, còn tình trạng lạm phát cấp phó và lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Khi đi giám sát, có nơi giải thích muốn có thêm cấp phó là để tạo điều kiện cho quá trình công tác xuống cơ sở có một vị thế nhất định thì mới đáp ứng nhu cầu, còn nếu chỉ là nhân viên xuống “không có vị thế lắm”. Tức là họ chỉ muốn có thêm cấp phó để phục vụ cho việc họp hành, điển hình là ở cấp huyện, xã.
Sau mỗi cuộc giám sát của Quốc hội, các thành viên đoàn giám sát đều chỉ ra bất cập trong thể chế, những vấn đề còn chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản luật để giúp các bộ, ngành, địa phương sửa chữa, đảm bảo tính đồng bộ và khả thi trong triển khai thực hiện. Và chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt được việc này. Nhưng lâu nay, công tác hậu giám sát chưa được làm tốt như mong đợi, nên đoàn giám sát cũng đặt mục tiêu phải làm sao để những thiếu sót, vi phạm nêu ra được xem xét, xử lý tới cùng. Đặc biệt, trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ được dư luận phản ánh rất nhiều thời gian qua, nếu có vấn đề thì điều chỉnh ngay. Còn với những vụ việc gây bức xúc xã hội và tạo dư luận không tốt thì phải nghiêm khắc xem xét trách nhiệm một cách rõ ràng, công khai, minh bạch để trả lời công luận.
|
ĐB Nguyễn Văn Quyền (Ủy viên Ủy ban Pháp luật): Biên chế chưa giảm, bộ máy còn phình ra
5 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã bám sát chính sách, pháp luật để tổ chức thực hiện cải cách tổ chức bộ máy, đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu chung vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, đầu mối tổ chức chưa giảm, thậm chí nhiều bộ, ngành còn “phình” cơ cấu tổ chức mới, chưa giảm được biên chế theo yêu cầu.
Việc tăng đầu mối dẫn đến hai hệ lụy. Thứ nhất, khiến bộ máy sẽ phình ra. Do vậy, việc quy định chức năng nhiệm vụ của các đơn vị có thể sẽ dễ chồng chéo, trùng lấn. Thứ hai, làm phát sinh yêu cầu cần phải bổ nhiệm nhiều lãnh đạo, dẫn đến tình trạng ở một số bộ, ngành, địa phương, nhiều đơn vị trực thuộc, số lượng cán bộ làm lãnh đạo bằng 1/2 tổng số người của đơn vị, cá biệt có nơi số lượng lãnh đạo còn nhiều hơn cả nhân viên.
Để thực hiện hóa chủ trương cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của mỗi cơ quan, tổ chức, trên cơ sở đó sắp xếp tổ chức bộ máy và tổng biên chế phù hợp ứng với vị trí việc làm đã được xác định; Có chính sách pháp luật để thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ, mạnh dạn giao những công việc mà Nhà nước thực hiện lâu nay cho các tổ chức xã hội để các đơn vị, tổ chức này chủ động sắp xếp, tổ chức bộ máy hoạt động, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
|
ĐB Phùng Văn Hùng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế): Bộ máy cồng kềnh tạo gánh nặng cho ngân sách
Chúng ta cần tinh giản đầu mối, giảm số lượng cán bộ công chức và viên chức, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy, không thể để tồn tại bộ máy cồng kềnh như vậy, cũng không thể để những nơi mà số lượng lãnh đạo nhiều hơn cả nhân viên. Thậm chí, có những nơi bổ nhiệm cán bộ bất chấp cả quy trình, thủ tục đã quy định, không vì mục đích triển khai công việc mà chỉ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Nguyên nhân của những bất cập là do ta không có cơ chế giám sát, xử lý hiệu quả, có chế tài xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Mỗi khi để xảy ra một vụ việc thì chúng ta không tìm được ai là người chịu trách nhiệm. Ngay vụ lùm xùm trong bổ nhiệm cán bộ ở Thanh Hóa đến giờ vẫn chưa xác định được trách nhiệm chính thuộc về ai.
|
ĐB Lê Thanh Vân (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách): Phải xem xét được trách nhiệm người đứng đầu
Về tinh giản biên chế, mới chỉ tinh giản về lượng chứ chưa tinh giản về chất. Lâu nay, chúng ta chỉ tinh giản theo kiểu “khấu trừ”, tức là chờ người ta về hưu hoặc có ai chuyển nơi khác thì trừ đi, coi đó là tinh giản. Trong khi đó, mục tiêu tinh giản biên chế không phải như vậy, mà phải dựa trên cơ sở rà soát, sắp xếp chức năng, nhiệm vụ bộ máy, đánh giá lại cán bộ, đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ tiêu chuẩn, không phù hợp với công việc. Đó mới là tinh giản về chất.
Nguyên nhân của những bất cập trên là do chúng ta tiến hành cải cách hành chính chưa thực chất nhưng lại thiếu tổng kết về mô hình, để xác định cấu trúc của hệ thống hành chính, từng tầng nấc sao cho hợp lý; Do sự phối hợp giữa các cơ quan ban hành, hướng dẫn thể chế còn chưa đồng bộ dẫn đến chưa nhất quán trong quy định. Và quan trọng là do việc rà soát, đánh giá cán bộ chưa theo chuẩn mực nhất định, hầu hết đánh giá dựa vào cảm tính, theo cách cán bộ kiểm điểm, tập thể góp ý, mà cán bộ kiểm điểm bao giờ cũng nói tốt cho mình, rồi ra tập thể lại nề hà, né tránh, ngại va chạm. Một nguyên nhân khác còn do trách nhiệm của người đứng đầu chưa quyết liệt, ngại va chạm, chưa đủ quyền thực hiện việc sắp xếp, tinh giản biên chế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận