Điện ảnh

Vì sao phim Người phán xử gây sốt?

15/05/2017, 07:33
image

Vì tạo được những câu nói tràn ngập mạng xã hội, Người phán xử mới có sức lan tỏa mạnh mẽ đến như thế.

25

Cảnh trong phim "Người phán xử"

Ngay khi lên sóng tập đầu, bộ phim hình sự 46 tập Người phán xử của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam đã lập tức gây bão. Chỉ tính riêng trên mạng xã hội Youtube, trung bình mỗi tập phim thu hút 3 triệu lượt xem, con số thường chỉ gặp ở các MV ca nhạc nổi tiếng. Các câu thoại của phim tràn ngập mạng xã hội như một trào lưu thực thụ.

Thông minh từ khâu kịch bản

Nhiều khán giả đã lầm tưởng Người phán xử lấy ý tưởng từ siêu phẩm Bố già của điện ảnh Mỹ cho rằng, Phan Quân, Phan Hải, Lê Thành là phiên bản Việt của những: Vito, Santino, Michael Corleone. Nhưng kì thực, kịch bản gốc của Người phán xử xuất phát từ bộ phim tội phạm Israel có tên Ha-Borer hay The Abitrator (cũng có nghĩa là Người phán xử).

Đây là lựa chọn khôn ngoan của đoàn làm phim. Bởi dù xuất sắc đến đâu, một bộ phim điện ảnh cũng không thể dàn trải thành hàng chục tập phim truyền hình. 157 phút bản gốc của Bố già nếu cố co kéo thành 30-40 tập phim sẽ khiến kịch bản bị pha loãng, tràn ngập các tình tiết, nhân vật dư thừa. Đó là chưa kể sống dưới cái bóng “Bố già bản Việt”, phim sẽ luôn chịu sức ép chất lượng rất nặng nề.

Trong khi đó, Ha-Borer lại tuyệt nhiên không phải là một bộ phim xoàng. Ra mắt năm 2007, kết thúc năm 2011, phim trở thành biểu tượng truyền hình Israel với hơn 6 tỉ lượt xem trên toàn thế giới. Nội dung đầy đặn, kéo dài 4 phần phim (46 tập) vừa khít với nhu cầu phát sóng ở Việt Nam. Tinh hoa của điện ảnh Israel rõ ràng là sự lựa chọn vô cùng hợp lý.

Tuy nhiên, vay mượn không có nghĩa là sao chép toàn bộ. Bộ phim được gửi gắm vào tay biên kịch Nguyễn Trung Dũng, người từng chắp bút trong nhiều phim của loạt Cảnh sát hình sự nổi tiếng, hay bộ phim Mạch ngầm vùng biên ải (2015) rất thành công gần đây. Theo đó, kịch bản gốc đã có những điều tiết phù hợp khi về Việt Nam. Bối cảnh xã hội đen phương Tây được thay thế bằng thế giới ngầm vùng biên ải. Thậm chí, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc sản xuất của phim, đoàn làm phim đã phải đưa vào đó bóng dáng tập đoàn tội phạm Năm Cam, tạo ra không khí hình sự đậm chất Việt Nam.

Hệ thống nhân vật đặc sắc

Trước đây, các ông trùm thường được gói gọn trong một vài kiểu lặp đi lặp lại. Hoặc là tội phạm cổ cồn trí thức cao có vẻ ngoài đểu cáng (Cán bộ Lê Hải - diễn viên Tùng Dương - trong Mạch ngầm vùng biên ải), hoặc ông trùm mặt hồ ly, hiền lành nhưng nguy hiểm ngấm ngầm (Lão Phật gia - diễn viên Tùng Yuki thủ vai trong Bí mật Tam Giác Vàng). Phan Quân được tạo hình khác hẳn. Cũng trí thức, nhưng không hề đểu giả; cũng nguy hiểm, nhưng khuôn mặt cực kì dọa người với ánh nhìn sắc lạnh, bộ ria mép đậm chất Bố già Vito Corleone.

"Quan điểm của chúng tôi là với bạo lực, cắt được đoạn nào sẽ cắt. Nhưng những cái mà nếu thiếu bạo lực sẽ không thành câu chuyện thì đương nhiên vẫn phải giữ”.

Biên kịch Nguyễn Trung Dũng

Tương tự như vậy, kiểu nhân vật con đại gia, công tử trước đây thường gắn chết với hình mẫu vô tích sự, tiêu tiền như rác, chỉ biết ăn chơi bốc giời. Phan Hải ở đây cũng đi vũ trường, cũng bồ bịch, nhưng gã điên rồ, hỗn loạn tới mức đáng sợ. Đôi mắt long sòng sọc, khuôn miệng không ngớt hằm hè chửi tục đi kèm chuỗi hành động vô pháp vô thiên, khác xa kiểu cậu ấm thông thường.

Quan trọng hơn, cha con Phan Thị được gửi gắm vai chính. Cho tội phạm nhiều đất diễn như vậy là một điều hiếm thấy ở phim Việt Nam. Từ đó, không chỉ tạo hình mà cá tính nhân vật cũng được đào sâu. Phan Quân hiện lên như một khối đa diện: Vừa tàn nhẫn (chặt tay con nuôi, tuyên án tử kẻ phản bội), song cũng có phút mềm yếu khổ sở vì gia đình. Y như đi giữa hai bờ trắng - đen, tạo ra cảm xúc đối lập giữa khán giả: Ghê sợ, nhưng cũng yêu thích, thương cảm và thậm chí nể phục.

Theo biên kịch Nguyễn Trung Dũng: “Phan Quân khác hẳn nhân vật trong phim gốc. Trong phiên bản Israel, ông trùm Asulin là một kẻ lăng nhăng, cặp bồ. Nhưng nhân vật Phan Quân lại cực kì trọng tình cảm gia đình vợ chồng”. Một sự thay đổi đáng mặt ăn tiền, bởi nếu không, Phan Quân sẽ trở thành một con quái vật máu lạnh chẳng khác gì các bộ phim hình sự đã có. Chứ không thể là nét chấm phá như ở bây giờ.

Phim lấy ông trùm làm trung tâm, nhưng không vì thế mà các nhân vật khác mờ nhạt. Hay Lương “Bổng”, cận vệ của ông Trùm do nghệ sĩ Trung Anh thủ vai lại ghi điểm nhờ thần thái lạnh lùng, dứt khoát trong từng hành động, câu chữ. Hay hai gã đầu gấu tép riu Tuấn - Tú, tưởng chừng chỉ là hạng tay chân quèn, nhưng theo thời gian đã trở thành quả bom nổ chậm trong lòng Phan Thị. Tất cả đưa bộ phim thành một kết cấu vững chãi, mà từng cá nhân đều có tầm ảnh hưởng nhất định tới cục diện tổng thể.

 Tranh cãi về lời thoại

Lời thoại cũng là yếu điểm của phim hình sự Việt Nam từ lâu. Điển hình có phim Nữ cảnh sát tập sự (2015) gần đây, từng bị la ó bởi những câu thoại ngô nghê đến khó chịu. Đến khi lên sóng, Người phán xử được tung hô nhờ tạo ra không khí xã hội đen đúng nghĩa.

Trong phim, đại từ nhân xưng “mày - tao” được sử dụng thường xuyên đi kèm các ngôn từ đầy hăm dọa như: “Thịt nó”, “xử thằng đấy”, “xin tí huyết”. Thậm chí, có những phân cảnh dày đặc các câu chửi thề đầy tục tĩu, điển hình là của nhân vật Phan Hải do diễn viên Việt Anh thủ vai, với âm điệu cũng rất… chợ búa. Ngoài ra, phim còn lồng ghép được những lời thoại có chiều sâu triết lý thông qua nhân vật Phan Quân. Ông trùm, bằng sự lọc lõi, tinh ranh thường thốt lên các câu nói sâu sắc: “Tàn nhẫn là sức mạnh. Chỉ có những kẻ yếu thế mới sợ việc đó”, “Một con cáo già bao giờ cũng nguy hiểm hơn lũ sói non”.

Chính vì tạo được những câu nói tràn ngập mạng xã hội, Người phán xử mới có sức lan tỏa mạnh mẽ đến như thế. Nhưng cũng chính sự mạo hiểm này khiến bộ phim gặp phải dư luận trái chiều, khi có ý kiến chỉ trích phim quá bạo lực, nhiều câu nói dung tục. Đáp trả lại tư duy này, diễn viên Việt Anh từng phát biểu: “Với những khán giả lớn hơn, những cảnh trên phim bình thường vì không khí và nội dung phim đang là hình sự. Nói những ngôn ngữ như: Mày, tao, con chó… không phù hợp, vậy chẳng lẽ xã hội đen nói chuyện với nhau bằng cậu - tớ, tôi - đồng chí?”.

Cũng liên quan đến vấn đề bạo lực, dù đã có sự điều chỉnh, song không có nghĩa phim bị biến thành giả tạo. Khán giả vẫn được chiêu đãi những cảnh máu me lạnh gáy, như khi Lương “Bổng” chặt tay Tuấn bằng một nhát dao lạnh lùng được quay cự li gần, máu tóe trên mặt bàn. Hay cảnh Phan Quân ngồi hút thuốc để bác sĩ gắp đạn khỏi tay, thật từ miệng vết thương cho tới bờ môi tái mét của ông trùm. Tất cả cho thấy nỗ lực của đoàn làm phim khi truyền tải chất liệu bạo lực. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.