Hệ số sử dụng ghế của các hãng hàng không trên đường bay TP.HCM - Hà Nội đều đạt xấp xỉ 100% trong các ngày gần đây - Ảnh: Khánh Linh |
Bay đêm đắt ngang bay ngày
Trao đổi với Báo Giao thông, anh H.T.Bình (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết, không hiểu sao giá vé máy bay một số ngày gần đây bất ngờ tăng mạnh khiến gia đình anh phải hủy kế hoạch đi Đà Lạt. “Trước đó, chúng tôi đặt vé đi Đà Lạt với mức giá khứ hồi khoảng 2,5 triệu đồng/người đã bao gồm cả thuế, phí. Tuy nhiên, do có công việc đột xuất nên tôi dời chuyến đi đến tận tháng 11, mức giá khứ hồi cho một người tăng lên tới 5 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước”, anh Bình thông tin.
Tương tự, chị N.T.Linh cho biết thường xuyên có việc phải đi công tác vào TP.HCM. Thông thường, vào khoảng tháng 10, tháng 11, mức giá vé trên trục này rất rẻ dù không cần phải đặt trước quá nhiều. Tuy nhiên, mấy ngày nay, dạo trên các kênh bán vé trực tuyến, chị khá bất ngờ khi giá vé máy bay cao chẳng kém gì ngày cao điểm trong mùa cao điểm. “Tôi phải chấp nhận đặt mua vé chuyến muộn nhất của Vietjet đi TP.HCM với giá 1,88 triệu đồng chưa có thuế, phí sân bay. Bình thường, với số tiền này, tôi thậm chí có thể mua được cả vé khứ hồi vào giờ ban ngày, nhất là vào mùa thấp điểm như thế này”, chị Linh cho biết thêm.
Thực tế, theo khảo sát của Báo Giao thông tại một số trang bán vé trực tuyến, giá vé trên trục TP.HCM của Vietnam Airlines những ngày đầu tháng 10 dao động ở mức 3 - 3,5 triệu đồng/vé chưa tính thuế, phí. Mức giá tương ứng của hãng hàng không Vietjet cũng khá cao, xoay quanh ở mức 2,5 - 2,9 triệu đồng. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar, thậm chí còn hết vé cho tất cả các chuyến bay trong một số ngày đầu tháng 10.
Người trong cuộc nói gì?
Thông tin về việc tăng giá vé, đại diện Vietjet cho biết, giá vé máy bay cao hay thấp là do nhu cầu của thị trường. “Thực tế những ngày qua, dù đang trong mùa thấp điểm nhưng nhu cầu đi lại của người dân khá cao, vượt ngoài dự đoán của hãng hàng không. Trong khi đó, vận tải cung ứng trên thị trường đã thấp đi do trong mùa thấp điểm, hãng hàng không thường lên kế hoạch đưa tàu bay đi bảo dưỡng, sửa chữa hoặc rút bớt máy bay khỏi thị trường nội địa để cho thuê”, vị này nói thêm.
Cùng quan điểm, đại diện Jetstar cho biết, tháng 9, tháng 10 hàng năm là giai đoạn thấp điểm nhất trong năm đối với thị trường hàng không nội địa. Vì vậy, Jetstar Pacific đã chủ động điều chỉnh lại tần suất khai thác, giảm số lượng chuyến bay trên một số tuyến bay nội địa, tăng khai thác quốc tế, đồng thời tranh thủ thực hiện công tác bảo dưỡng máy bay định kỳ, chuẩn bị cho kế hoạch phục vụ hành khách mùa cao điểm Tết sắp tới.
Theo một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không, ngoài nguyên nhân hãng hàng không rút bớt tàu bay khai thác do đang trong mùa thấp điểm, một nguyên nhân khác mà hãng hàng không không muốn nói ra là tàu bay trên thị trường nội địa đã được rút ra để thực hiện bay thuê chuyến quốc tế. Bay thuê chuyến quốc tế hiện tại đang mang lại nguồn thu nhập tốt hơn cho các hãng nhưng cũng khiến hãng hàng không bị căng thẳng về nhân lực khi phải để một tổ rưỡi hoặc 2 tổ bay nằm chờ ở đầu bên kia. Tuy nhiên, đã là doanh nghiệp thì họ sẽ chọn hình thức, thị trường kinh doanh nào có lợi nhất cho mình nếu pháp luật không cấm. |
Phía Vietnam Airlines, lãnh đạo hãng này khẳng định, Vietnam Airlines hoàn toàn đứng ngoài đợt tăng giá vé lần này. “Thực tế, mức giá 3 - 3,5 triệu đồng/vé bay chặng Hà Nội - TP.HCM của hãng là không hề cao so với bình thường”, vị này nói và cho biết, không có chuyện Vietnam Airlines rút bớt tàu bay ra khiến thiếu tải và đẩy giá cao lên. “Thậm chí, khi thị trường có phát sinh, chúng tôi lập tức tăng tải, đưa tàu bay lớn vào khai thác để đón cơ hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, vị này nói.
Cục Hàng không VN cho biết, giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2017, theo lịch khai thác của các hãng, trung bình có 47 chuyến/chiều/ngày, bằng 85,5% so cùng kỳ năm 2016. Trong số này, Vietnam Airlines 25 chuyến/chiều/ngày (tăng 8,7%), Vietjet Air 16 chuyến/chiều/ngày (giảm 15,7%), Jetstar Pacific 6 chuyến/chiều/ngày (giảm 53,8%).
Cũng theo Cục Hàng không VN, trong các ngày gần đây, số lượng hành khách không có chỗ trên đường bay TP.HCM - Hà Nội tăng cao, hệ số sử dụng ghế của các hãng hàng không trên đường bay này đều đạt xấp xỉ 100%, lượng hành khách đặt chỗ trên hệ thống cho các ngày tiếp theo cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do Jetstar Pacific phải hủy một loạt chuyến bay, chủ yếu trên đường bay TP.HCM - Hà Nội do thiếu hụt nguồn lực, đặc biệt là phi công. Vietjet Air cũng giảm tần suất khai thác từ trung bình 25 chuyến/chiều/ngày xuống 16 chuyến/chiều/ngày do đưa tàu bay đi bảo dưỡng theo kế hoạch và tăng bay thuê chuyến quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, Cục Hàng không VN vừa yêu cầu các hãng hàng không tăng chuyến bay. Theo đó, đến giữa tháng 10/2017, Vietnam Airlines đã có kế hoạch tăng 2-3 chuyến bay/chiều/ngày giữa TP.HCM - Hà Nội, đồng thời đổi tàu bay lớn hơn. Vietjet tăng 4-5 chuyến bay/chiều/ngày từ tuần thứ hai của tháng 10. Phía Jetsar, từ ngày 15/10, dự kiến khai thác ổn định trên đường bay này với tần suất 6-7 chuyến/chiều/ngày và duy trì tần suất 8-9 chuyến từ tháng 11/2017.
Thông tin thêm về giá vé máy bay, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, theo quy định hiện nay, mức trần giá vé máy bay chặng Hà Nội - TP.HCM và ngược lại là 3,2 triệu đồng/vé một chiều (chưa bao gồm thuế, phí và các loại giá dịch vụ khác). Theo kê khai của các hãng hàng không, trung bình trên chặng bay Hà Nội - TP.HCM và ngược lại có trên 10 dải giá với mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế, phí và các loại giá dịch vụ khác) của Vietnam Airlines là 3.150.000 đồng/vé một chiều; Jetstar Pacific là 3 triệu đồng/vé một chiều và Vietjet Air 2.870.000 đồng/ vé một chiều.
“Trường hợp hãng hàng không vi phạm các quy định về giá, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu dừng ngay việc áp dụng mức giá vi phạm và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận