Đại diện Vietnam Airlines khẳng định, hãng này cần tiếp tục đầu tư tăng vốn vào Jetstar Pacific nhằm cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ |
Hơn 1.300 tỷ đồng đưa Jetstar từ lỗ đến lãi
Tháng 1/2012, Vietnam Airlines chính thức tiếp nhận chuyển giao phần vốn Nhà nước tại Jetstar Pacific từ Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Lúc này, Jetstar Pacific đang hoạt động trong bối cảnh nguồn vốn chủ sở hữu bị âm trên 600 tỷ đồng, mất khả năng thanh toán và có nhiều khoản công nợ quá hạn, khó đòi.
Trước tình hình trên, Vietnam Airlines đã cùng các cổ đông khác xây dựng phương án tái cơ cấu toàn diện Jetstar Pacific, trong đó có việc cấp thiết phải tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu đội tàu bay, mạng bay, tổ chức sắp xếp lại nguồn lực, bộ máy quản lý để đưa Jetstar thoát khỏi tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng và kinh doanh thua lỗ, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển.
Thực tế, với số vốn góp bổ sung trong 2 năm 2012 và 2014 là 1.315 tỷ đồng (trong đó Vietnam Airlines góp 921 tỷ đồng), Jetstar Pacific đã tăng trưởng đội tàu bay, xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng kéo dài. Đến nay, sau hơn 4 năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của Jetstar Pacific đã dần ổn định, giảm lỗ dần đều qua các năm. Đặc biệt, năm 2015, sau rất nhiều năm thua lỗ, Jetstar Pacific lần đầu tiên cân đối được thu chi với lợi nhuận trước thuế đạt 267 triệu đồng.
Cần thêm “đòn bẩy tài chính”
Được biết, trong một cuộc làm việc cấp cao giữa Vietnam Airlines, Tập đoàn Hàng không Qantas Group (Úc) và Jetstar Group - Công ty con của Qantas Group tại TP Sydney (Úc) mới đây, các cổ đông lớn của Jetstar thống nhất khẳng định sau hơn ba năm vượt khó, đây chính là thời điểm phù hợp để hai bên tăng cường đầu tư, mở rộng quy mô và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn của Jetstar Pacific.
Trong chiến lược phát triển 5 năm 2016 - 2020, Jetstar Pacific xác định tiếp tục duy trì và phát triển hãng hàng không giá rẻ có quy mô đủ lớn để đảm bảo cạnh tranh trong phân khúc chi phí thấp. Trên cơ sở khai thác các đường bay nội địa và quốc tế ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Jetstar sẽ đầu tư phát triển đội tàu bay lên 30 chiếc vào năm 2020, tăng 18 chiếc so với thời điểm cuối năm 2015.
Hai cổ đông chính của Jetstar Pacific là Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Qantas Airways - Úc). Vietnam Airlines hiện nắm giữ 70% và Qantas giữ 30%. |
Để làm được điều này, đại diện Vietnam Airlines cho rằng, Jetstar cần đảm bảo tiến độ tăng đội bay khai thác và bổ sung vốn đợt 1 ngay trong năm 2016 là 39 triệu USD để đặt cọc mua máy bay, mua phụ tùng, trả tiền sửa động cơ, mở đường bay mới… 2 khoản 50 triệu USD tiếp theo cũng cần “rót” tiếp cho Jetstar trong các năm 2018, 2019 để thực hiện các kế hoạch phát triển của mình.
Qantas, cổ đông lớn của Jetstar cũng đã cam kết cùng với cổ đông hiện hữu góp vốn ngay trong năm 2016 để tăng vốn điều lệ thêm 39 triệu USD.
Trước đó, nói về kế hoạch đầu tư vào Jetstar, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, tái cơ cấu thành công Jetstar Pacific mang lại cho Vietnam Airlines và Qantas Group sự tin tưởng vào khả năng phát triển trong tương lai. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Jetstar Pacific theo mô hình hãng hàng không giá rẻ có quy mô đủ lớn để đảm bảo cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác”, ông Minh nói.
Ông Alan Joyce, Tổng giám đốc Tập đoàn Qantas khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ Jetstar Pacific trong các hoạt động bán, tiếp thị và hợp tác quốc tế với các hãng hàng không khác. Đồng thời, Jetstar Pacific sẽ cùng tham gia với Qantas trong gói đặt hàng mua máy bay với Airbus trong thời gian tới đây.
Có nên tiếp tục “rót tiền” vào Jetstar?
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vietnam Airlines cho biết thời gian qua, trên thế giới và khu vực xuất hiện ngày càng nhiều hãng hàng không giá rẻ. Với mô hình tổ chức linh hoạt, nhỏ gọn và lợi thế về giá, các hãng này đã và đang cạnh tranh trực tiếp, dần chiếm lĩnh thị trường của các hãng hàng không truyền thống.
Do đó, các hãng hàng không truyền thống đang có xu hướng thành lập các hãng khu vực trực thuộc hoặc các hãng liên kết với mục tiêu định vị sản phẩm khác nhau, khai thác các phân khúc thị trường riêng biệt. Điển hình cho xu hướng này, tại châu Âu và Mỹ có Delta và Delta Connection, Air France có HOP, British Airways có BMI Regional…
Tại châu Á, Singapore Airlines Group ngoài Singapore Airlines (SQ) khai thác tàu bay cỡ lớn với chất lượng dịch vụ cao cấp, tập trung phân khúc khách doanh thu cao còn sở hữu 4 hãng hàng không trực thuộc bao gồm: Silk Air, Scoot, Tiger Air, Singapore Airlines Cargo. Hay như Thai Airways cũng có 39% cổ phần tại Nok Air là hãng hàng không giá rẻ, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như: Thai Air Asia và Thai Lion…
Cũng từ đây, đại diện Vietnam Airlines khẳng định, hãng này cần tiếp tục đầu tư tăng vốn vào Jetstar Pacific nhằm cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ - chi phí thấp hơn trong khi Vietnam Airlines tập trung khai thác khách doanh thu cao và trung bình. Như vậy mới có thể cạnh tranh hiệu quả với các hãng hàng không khác trong và ngoài khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận