Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020, Vietnam Airlines sẽ đề xuất Chính phủ cấp bảo lãnh cho khoản vốn vay mua 7 tàu bay A350 |
78% vốn huy động mua máy bay được Chính phủ bảo lãnh
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2011–2015, Vietnam Airlines tập trung thực hiện hai dự án quan trọng là mua 26 tàu bay Airbus A321 và 8 tàu bay Boeing 787-9. Đây là hai trong số ba dự án đầu tư trọng điểm của Vietnam Airlines, nằm trong chiến lược và kế hoạch phát triển đội bay đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp bảo lãnh.
Liên quan đến các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính Vietnam Airlines cho biết, đến hết năm 2015, thông qua Bộ Tài chính, Chính phủ đã bảo lãnh các khoản vay vốn nước ngoài để thuê mua và mua 21 tàu bay A321 và 4 tàu bay Boeing 787-9 (đã nhận bàn giao trong giai đoạn 2011- 2015) với tổng giá trị vay bảo lãnh hơn 1.700 triệu USD, chiếm 77,8% tổng số vốn huy động mua máy bay của Vietnam Airlines trong cả giai đoạn này.
Con số 77,8% này cũng cho thấy nguồn vốn vay được Chính phủ bảo lãnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến lược phát triển đội bay của Vietnam Airlines. Đặc biệt, ông Hiền nhấn mạnh, trong giai đoạn này, Vietnam Airlines luôn chủ động và bảo đảm cân đối đủ dòng tiền để trả nợ gốc, lãi vay đúng hạn, không để xảy ra bất kỳ khoản phát sinh nợ đọng, chậm thanh toán hoặc vi phạm hợp đồng nào. “Vietnam Airlines luôn là một đối tác tin cậy với các định chế tài chính trong và ngoài nước”, ông Hiền nói.
Rà soát, giảm dần các khoản vay cần bảo lãnh
Khẳng định do đặc thù giá trị đầu tư mua máy bay rất lớn nên ngoài việc tìm kiếm và huy động nguồn vốn vay thương mại để đầu tư đội bay theo phương thức tự vay, tự trả, ông Hiền nhấn mạnh, Vietnam Airlines rất cần khoản vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh để đảm bảo hiệu quả đầu tư tài chính và đáp ứng kế hoạch, tiến độ giao nhận tàu bay. Mặc dù vậy, theo ông Hiền, Vietnam Airlines cũng “nhận thức rõ vấn đề nợ công quốc gia đang ngày càng tăng cao”. Do đó, từ giữa năm 2011, Vietnam Airlines đã chủ động tìm kiếm, huy động nguồn vốn vay thương mại trong nước cũng như triển khai cấu trúc tài chính khác để đầu tư mua máy bay nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vay có bảo lãnh của Chính phủ.
Với dự án mua 10 máy bay A350, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện điều chỉnh nguồn vốn đầu tư và chuyển từ hình thức vay mua sở hữu sang hình thức bán và cho thuê lại (sale and leaseback). Do đó, dự kiến nhu cầu vay vốn có bảo lãnh Chính phủ sẽ chỉ khoảng 1.024 triệu USD cho 7 tàu bay A350 còn lại. |
Được biết, tổng số tiền mà Vietnam Airlines tự huy động bằng nguồn vốn thương mại trong nước lên tới hơn 540 triệu USD, chiếm 22,2% tổng vốn huy động mua máy bay của cả giai đoạn 2011 – 2015. Trước đó, trong giai đoạn 2006 – 2010, số tiền tự huy động để đầu tư đội tàu bay của Vietnam Airlines chỉ đạt khoảng 2,5%.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Vietnam Airlines đang rà soát các hoạt động đầu tư. Riêng với đầu tư máy bay, Vietnam Airlines dự kiến bán và thuê lại 3 tàu bay A350 giai đoạn 2016-2017 (có thể tăng thêm hai tàu bay A350 giai đoạn 2018-2020). Khi đó, tỷ lệ tàu bay sở hữu của Vietnam Airlines sẽ giảm từ 60% xuống còn gần 50% để bảo đảm tính chủ động trong điều hành nguồn lực tàu bay cũng như khả năng cân đối dòng tiền và an toàn tài chính doanh nghiệp.
Cũng theo Vietnam Airlines, giai đoạn 2016–2020, DN này sẽ xin Chính phủ cấp bảo lãnh cho hai dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ là dự án mua 8 tàu bay B787-9 và 10 tàu bay A350. Cụ thể, đối với dự án mua 8 tàu bay B787-9, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc mua bốn tàu được cấp vay bảo lãnh Chính phủ và nhận bàn giao trong năm 2015. Để giảm bớt sự hỗ trợ của Chính phủ với dự án này, tháng 4 vừa qua, Vietnam Airlines đã tự chủ động thu xếp nguồn vốn vay thương mại trong nước không có bảo lãnh để giải ngân mua một chiếc B787-9. “Chúng tôi sẽ chỉ xin Chính phủ bảo lãnh cho ba tàu bay B787-9 còn lại với tổng số tiền khoảng 415 triệu USD”, ông Hiền nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận