Sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng năm 2015 tăng tới 20%, lãi cả năm hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Trần Hải |
Với nỗ lực vượt bậc, tiến trình tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nhanh hơn kỳ vọng và đạt được những kết quả khả quan. Nhân dịp đầu Xuân mới, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines trao đổi với Báo Giao thông về một Vinalines mới, “cất cánh” sau cổ phần hóa (CPH).
Kinh doanh có lợi nhuận
Hết năm 2015 cũng là thời điểm chốt lại quá trình tái cơ cấu Vinalines theo Quyết định số 276 ngày 4/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, vậy thời điểm này có thể hình dung Vinalines đang hoạt động như thế nào, thưa ông?
Vinalines trong hơn 2 năm trở lại đây tập trung cho 2 nội dung hoạt động lớn là tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty (TCT) và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh (SXKD). Kế hoạch SXKD hàng năm được xây dựng theo hướng tập trung vào hai mảng chủ đạo là vận tải biển, khai thác cảng và dịch vụ hàng hải, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo sự ổn định và phát triển phù hợp với thị trường. Những năm gần đây, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến mảng kinh doanh vận tải của Vinalines.
Sản lượng và doanh thu của mảng vận tải tuy không tăng nhưng lỗ đã giảm mạnh, mang lại dòng tiền dương tại nhiều đơn vị. Khai thác cảng đã và sẽ là mảng mang lại lợi nhuận tốt nhất cho TCT, không chỉ giúp bù đắp cho mảng kinh doanh vận tải mà còn được Vinalines kỳ vọng sẽ là điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược trước khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc CPH thành công.
Phải nói rằng, với nỗ lực rất lớn của cán bộ toàn TCT, ban lãnh đạo và được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ GTVT mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng, những năm gần đây Vinalines đều hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra, giảm lỗ, tiến tới cân bằng thu chi. Năm 2015, doanh thu toàn TCT đạt hơn 18.400 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 40 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường hàng hóa tăng trưởng thấp, cạnh tranh mạnh, cước vận tải tiếp tục xu hướng giảm, trong khi hầu hết các doanh nghiệp (DN) của Vinalines đều đối mặt với khó khăn về tài chính, nguồn vốn eo hẹp, đạt được kết quả như trên thực sự là 1 nỗ lực to lớn. Để SXKD có hiệu quả, Vinalines kiên quyết dừng các hoạt động kinh doanh không đem lại lợi nhuận, bán bớt các tàu cũ gây thua lỗ, các đơn vị tìm mọi cách cắt giảm chi phí, nỗ lực triển khai các giải pháp tăng doanh thu, tăng cường quản lý, tìm kiếm mở rộng thị trường.
Vinalines đang đi đúng hướng
Tái cơ cấu và CPH DN, tái cơ cấu tài chính giải quyết công nợ của Vinalines được nhận xét là quyết liệt và đi đúng hướng. Cụ thể kết quả đến nay thế nào, thưa ông?
Vinalines thời gian qua tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu toàn diện theo Quyết định số 276 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu TCT Hàng hải VN giai đoạn 2012 - 2015, với mục tiêu trở thành DN nòng cốt trong lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Năm 2015 là năm cuối cùng TCT thực hiện tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Vinalines đã hoàn thành CPH 12/12 DN thành viên theo Đề án. Năm 2015, TCT đã xây dựng hoàn thành phương án CPH. Hiện phương án CPH Công ty mẹ - TCT với phần vốn Nhà nước chỉ còn giữ lại 36% đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để chuẩn bị bán đấu giá cổ phần (IPO) trong quý I/2016.
Ông Lê Anh Sơn. |
Thực hiện theo đúng kế hoạch, TCT đã giải thể chấm dứt hoạt động 7 DN, tiến hành thủ tục phá sản với 3 DN, thực hiện thoái vốn tại 37 DN, lãi hơn 551 tỷ đồng.Đặc biệt quan trọng là công tác tái cơ cấu tài chính, trọng tâm của Đề án tái cơ cấu TCT đã thu được kết quả khả quan, giúp giảm gánh nặng tài chính, tăng hiệu quả SXKD.
Tính đến 31/12/2015, kết quả tái cơ cấu tại Công ty mẹ - TCT đã giảm được nợ hơn 6.000 tỷ đồng, giảm 46% nợ so với thời điểm trước tái cơ cấu (31/12/2013). Mục tiêu của Vinalines là tranh thủ hết mức thời gian trước IPO Công ty mẹ - TCT để xử lý công nợ theo Nghị quyết số 30 (Nghị quyết 30 chỉ áp dụng cho DN 100% vốn Nhà nước), đưa công nợ về gần hơn mức dự kiến Vinalines có thể hoạt động được hiệu quả và thu hút được nhà đầu tư chiến lược sau khi CPH.
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về việc thoái còn 20% vốn Nhà nước tại cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn. Có thể hình dung hoạt động của Vinalines như thế nào sau khi CPH và thoái hầu hết vốn khỏi các cảng biển trong tương lai?
Có thể nhận thấy rằng, mảng kinh doanh cảng biển của Vinalines năm 2015 đã đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay với sản lượng hàng thông qua tăng 11%, trong đó cảng Hải Phòng tăng tới 20%, doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm, khối này lãi khoảng 800 tỷ đồng, trong đó hai cảng Hải Phòng và Sài Gòn lãi khoảng 600 tỷ đồng.Ở chiều ngược lại, thị trường vận tải biển năm 2015 tiếp tục giảm sâu, kỳ vọng về sự phục hồi thị trường đã không diễn ra.
Giữa tháng 2, chỉ số thị trường tàu hàng khô (BDI) đã giảm xuống 509 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 1985 khi thị trường bắt đầu thiết lập hệ thống tính điểm. Đến cuối năm 2015, chỉ số BDI lại tiếp tục giảm sâu, chỉ còn 478 điểm ở thời điểm ngày 24/12/2015. Do đó, mặc dù sản lượng vận chuyển của TCT tăng 4%, chi phí giảm do tấn trọng tải giảm, nhưng do giá cước giảm sâu nên doanh thu chỉ đạt 79% so với năm trước. Lỗ vận tải năm 2015 dự kiến vẫn còn ở mức rất cao. Do vậy, khoản lãi từ hoạt động cảng biển và dịch vụ chính là khoản bù đắp giúp Vinalines cân bằng thu chi cả năm 2015.
Vinalines đang đi đúng hướng, tin tưởng vào sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, các cơ quan ban ngành và bằng nỗ lực tự thân để vượt qua khó khăn. Tái cơ cấu của Vinalines thời gian qua triển khai rất quyết liệt nhưng vẫn có bước đi thận trọng theo lộ trình. Tài chính của Vinalines dần được cân bằng, SXKD ổn định và có những tiến triển đáng ghi nhận. Nhiều DN trước đây cực kỳ khó khăn nay đã bớt khó khăn hơn. Quan trọng là Vinalines cơ bản giữ được đội ngũ, có tầm nhìn vào tương lai để khi thị trường phục hồi và hoàn thành tái cơ cấu, có được nguồn lực phát triển. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng |
Để thực hiện chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các cảng nhỏ và thoái chỉ còn 20% tại 2 cảng lớn nhất hiện nay của Vinalines là cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn, Vinalines phải gấp rút xây dựng phương án chuyển đổi mạnh cơ cấu SXKD. Để làm tốt mảng kinh doanh vận tải biển trong bối cảnh giá cước vận tải viễn dương suy giảm sâu như hiện nay, kinh tế thế giới nói chung còn nhiều diễn biến khó lường cũng như đứng trước bối cảnh mở cửa thị trường mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhiều thách thức rất lớn đang đặt ra cho Vinalines đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của ban lãnh đạo TCT cũng như mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của Bộ GTVT và các Bộ, ngành có liên quan.
Đây là vấn đề rất lớn, sẽ làm thay đổi cơ bản chiến lược phát triển của Vinalines và chúng tôi phải có kế hoạch chuẩn bị ngay từ bây giờ. Tôi cho rằng, thời gian ngắn tới, TCT sẽ tập trung xây dựng phương án cho phát triển đội tàu mới hy vọng có thể phát triển và đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nguồn cung vận tải luôn vượt nhu cầu như hiện nay.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận