Nhạc sĩ Thụy Kha (phải) và Nguyễn Trọng Tạo đã thân thiết với nhau 40 năm |
Chúng tôi có hẹn gặp nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người bạn thơ đã gắn bó từ thời trẻ của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tại một quán cafe quen thuộc của giới văn nghệ sĩ. Nhạc sĩ Thụy Kha đã ngồi đó từ bao giờ, ngay chiếc bàn bên cửa sổ trong ngày thời tiết mưa phùn u ám của miền Bắc lặng lẽ hút thuốc và bùi ngùi kể lại những giai thoại về “người anh em thơ ca” Nguyễn Trọng Tạo vừa nhẹ nhàng rời cõi tạm tối 7/1.
Người nghệ sĩ “quê một cục”
Đó là tính từ mà nhạc sĩ, nhà thơ, nhà báo kiêm họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo tự miêu tả về mình. Sinh ra tại vùng đất Diễn Châu, Nghệ An, vùng đất nghèo chỉ có núi và sông, chú bé Nguyễn Trọng Tạo từ bé đã thấm đẫm tinh thần của một chàng trai miền quê tỉnh lẻ. Vào Nam ra Bắc, đi bộ đội, làm văn nghệ sĩ nổi tiếng nhưng ông chưa bao giờ là một người sành điệu và hiện đại. Bởi ông là người thuộc về quê hương, đất nước chứ không thuộc về hiện đại. Có lẽ, mang nặng chữ “quê” nên trong các tác phẩm từ thơ ca, nhạc họa của ông đều mang tính “quê”. Những ca khúc được viết, được phổ nhạc từ tâm huyết và tấm lòng của một người nghệ sĩ nhạy cảm, tha thiết yêu những làng quê đã trở thành những bài hát đi sâu vào lòng người như: Làng quan họ quê tôi; Khúc hát sông quê; Đôi mắt đò ngang... Thậm chí ngay cả trong liveshow đầu tiên của mình ở tuổi 70, ông cũng muốn đặt tên liveshow của mình có chữ “quê” là Khúc hát sông quê.
Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947, là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ. Ông từng ra mắt nhiều tập thơ, trường ca như: Đồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc)… Nhiều tác phẩm của ông đã được trao những giải thưởng như Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1995-2000) cho tập thơ Đồng dao cho người lớn, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1989-1994) cho tập truyện Miền quê thơ ấu… Ngoài ra, trong sự nghiệp nhạc sĩ, Nguyễn Trọng Tạo sở hữu nhiều ca khúc nổi tiếng và đi sâu vào lòng người như: Làng quan họ quê tôi (phổ thơ Nguyễn Phan Hách), Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang… |
Nghe qua thì từ “quê mùa” vẫn hay bị nhiều người thành thị dùng để chê những người xuất thân từ làng quê, thế nhưng Nguyễn Trọng Tạo lại được anh em nghệ sĩ ghen tị vì chất quê của mình. Tôi từng nói với Tạo: “Tôi chỉ thua ông một cái rất lớn là không có làng quê, vì sinh ra ở thành phố. Tôi không hiểu hết những khốn cùng của người dân. Nếu có hiểu thì chỉ hiểu công nhân chứ không hiểu nông dân như ông”. Nhưng nhờ giữ được chất quê nên Nguyễn Trọng Tạo mới có được chất riêng giữa chốn văn hóa nghệ thuật luôn nhiều màu sắc.
Đặc biệt, chất quê đó không chỉ thể hiện trong các tác phẩm của Nguyễn Trọng Tạo mà cả trong cuộc sống, người nghệ sĩ xuất thân từ vùng xứ Nghệ cũng thể hiện rất rõ lối sống mộc mạc, giản dị và tình cảm của người thôn quê. Ông ấy rất căn cơ, giỏi thu xếp và xử lý các công việc gia đình mà có lẽ với người thành phố sẽ khó có cách xử lý tốt như vậy. Một người luôn tận tình với gia đình.
Tôi nhớ khá rõ lần em gái ông ấy bị ung thư máu. Tạo đã xin phép cơ quan nới lỏng cơ chế để có thể nay Đắk Lắk, mai Đà Nẵng, hôm sau ra Hà Nội để đưa em gái đi chữa bệnh, chăm sóc cho tới khi cô khỏi bệnh. Một mình Tạo chạy vạy sáng tác, làm thơ và rất nhiều công việc để lo toan chi phí chữa bệnh khiến nhiều bạn bè cảm động và xắn tay giúp đỡ. Cả đợt mẹ ông ấy đi khám bệnh ở Bệnh viện mắt Trung ương, tôi cũng đi theo và chứng kiến ông ấy cõng mẹ leo 5 tầng cầu thang để lên phòng khám. Tôi rất cảm động và nể phục bạn mình vô cùng.
Phóng khoáng, hết lòng với bạn
Dù cuộc sống vất vả nhưng Tạo thường coi đó là sống, là niềm hạnh phúc. Có lẽ sau Tạo, hiếm có nghệ sĩ nào được như vậy. Tôi thường nói: “Ông sống bằng ba người khác rồi, 200 tuổi chứ không phải hơn 70 tuổi nữa”. Một cuộc sống của ông ấy đã có 3 cuộc sống khác. Người ta chỉ làm một vai trò, thì ông ấy vừa là nhà thơ, nhạc sĩ và nhà báo, mà lĩnh vực nào cũng xuất sắc. Điều đó cũng dễ hiểu vì khi đã làm việc, Tạo luôn dồn hết mọi tâm huyết và tình cảm, giống như mọi việc trong cuộc sống. Cuộc sống của Tạo luôn phóng khoáng và làm gì cũng có rượu, thơ và nhạc. Chính sự phóng khoáng ấy, Tạo từng viết nên một bài thơ mà để bản thân phải trả giá.
Lễ viếng nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo diễn ra từ 12h - 13h30 ngày 9/1 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội lúc 14h. Tro hài nhạc sĩ sẽ được đưa về quê ở Nghệ An sau khi gia đình xây dựng xong khu tưởng niệm. |
Bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” viết vào những năm 1980, với những câu thơ chất chứa khát vọng: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/Câu trả lời thật không dễ dàng chi…”. Bài thơ ấy đã khiến Tạo phải trở về Nhà văn hóa Quân khu 4 khi đang đi học tại Trại sáng tác Quân đội. Thế nhưng, ông ấy là người không dễ bị đánh gục. Ông luôn nỗ lực làm mọi thứ và sống một cách đầy năng lượng. Chẳng bao giờ thấy ông ấy kể lể cuộc sống của mình vất vả ra sao. Trong việc chơi với bạn bè, ông cũng luôn là người năng nổ. Tạo từng mang cả một nhà sàn ở miền núi Nghệ An ra thiết kế ở bờ sông Hồng để anh em nghệ sĩ từ Bắc tới Nam có chỗ tụ họp.
Lần gần nhất tôi và một số người bạn đến thăm Tạo vào đêm Giáng sinh vừa rồi, tôi đã thấy ông ấy khóc. Có lẽ Tạo khóc vì biết sắp phải chia xa bạn bè. Một người cứng rắn như Tạo khóc khỏi khiến chúng tôi cũng thấy yếu lòng và bùi ngùi. Bản thân chúng tôi đã xác định việc ra đi là khó tránh khỏi và cũng không có gì trong cuộc sống còn tiếc nuối vì chúng tôi luôn tâm đắc với câu thơ của B. Pastenak “Cứ sống, cứ sống, cứ sống đến cùng”. Thế nhưng, sự ra đi của Tạo, dù là đã được báo trước nhưng lòng tôi vẫn nặng nỗi buồn. Tôi đã khóc tối qua, tiếc thương cho một người nghệ sĩ đa tài, một người anh em đã gắn bó với mình suốt 4 thập kỷ.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận