Thượng tá Nguyễn Đức Hảo - một trong 9 thành viên phi hành đoàn gặp nạn trên chiếc Casa 212 mang số hiệu 9883 |
Chiều 24/6, trong căn hộ nhỏ tại khu tập thể trường Cao đẳng CSND 1 (Hà Nội), rất đông người nhà của Thượng tá Nguyễn Đức Hảo (SN 1962) - Phi đội trưởng lữ đoàn 918 (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội) đang ngồi tập trung chờ ngóng tin tức từ các cơ quan chức năng báo về.
Tính đến trưa 24/6, mới chỉ có 4 thi thể nghi là thành viên phi hành đoàn trên máy bay Casa 212 gặp nạn được tìm thấy, trong đó có một thi thể mặc quân phục và có giấy tờ của Thiếu tá Nguyễn Văn Chính, còn lại 3 thi thể đã được đưa về tàu để giám định, nhận dạng.
Tất cả những người thân của các quân nhân đang từng giây, từng phút ngóng chờ tin tức.
Thượng tá Nguyễn Đức Hảo là con út trong gia đình có 5 anh em, tất cả đều phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Trong công việc, Thượng tá Hảo là quân nhân có nhiều năm kinh nghiệm, được đào tạo bài bản ở nước ngoài.
Ngay khi nhập ngũ năm 1983 không lâu, chiến sĩ Hảo trẻ tuổi được Nhà nước cử đi học ở Liên xô. Trở về nước năm 1985, người quân nhân được phân công công tác trong ngành quốc phòng tại TP.HCM. Mới khoảng 4 năm trở lại đây, ông được điều động ra Bắc, tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ tại Lữ đoàn 918, đóng quân tại sân bay Gia Lâm.
Ngồi trong góc của căn phòng nhỏ, chị Ngô Thị Dung (vợ thượng tá Hảo) với khuôn mặt gầy guộc, xanh xao tâm sự, gia đình chị sinh sống ở TP.HCM, do điều kiện công việc nên rất ít khi anh Hảo được về nhà. Mỗi năm chỉ về được vài lần, mỗi lần chỉ một, hai ngày. Rồi cũng có khi, nhiều năm anh cũng không được đón Tết cùng gia đình.
Anh chị có hai người con trai, tất cả đều đi theo nghiệp của bố. Cậu con trai cả hiện đang theo học năm thứ 2 tại Trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang, còn người con thứ hai vừa thực hiện xong nghĩa vụ quân sự và vẫn chưa có việc làm.
"Đối với các con, bố thường xuyên vắng nhà là một thiệt thòi khi vắng bóng người cha. Nhưng thấu hiểu được trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc, với nhân dân mà bố đang gánh trên vai, 2 người con anh chị đều cảm thông với bố. Vì thế, cả 2 tự cố gắng phấn đấu để sau này có thể theo công việc thiêng liêng và cao cả mà bố đã chọn" - chị Dung tâm sự
Ngay từ khi nhận được tin máy bay Casa gặp nạn, trên đó có chồng mình và 8 đồng đội khác, trái tim chị Dung như bị bóp nghẹt bởi lo lắng.
Ngay hôm sau, chị ra Hà Nội, ở nhà người thân và lúc nào cũng đau đáu chờ từng dòng tin tức về chồng.
“Từ ngày nghe tin anh gặp nạn, tôi biết từ giờ cuộc sống sẽ rất khó khăn khi gia đình vắng đi người trụ cột. Những tưởng sau chuyến công tác, bố sẽ là người định hướng tương lai cho cháu, nhưng nay…” – chị Dung ngập ngừng, nghẹn ngào chẳng nói được hết câu.
Những người thân trong gia đình cho biết, trong suốt quãng thừoi gian chồng xa nhà, một tay chị Dung lo toan công việc gia đình, dạy bảo 2 con nên người. Bản lĩnh của người vợ quân nhân được thể hiện trong lúc khó khăn nhất, bởi ngay lúc ấy, chị nói: “Đã là vợ lính thì tôi đã xác định sẽ có thiệt thòi, hy sinh. Tai nạn xảy ra là điều chẳng ai mong muốn, nhưng biết làm sao được”.
Giờ chị Dũng là chỗ dựa duy nhất cho 2 người con, vì thế, người phụ nữ đã hy sinh cho công việc của chồng càng can trường, vững vàng hơn. Với đôi mắt đỏ hoe, chị vẫn không ngừng ngóng ra ngoài cửa chờ tin chồng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận