Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sử dụng nguồn vốn vay 613,5 triệu USD của WB |
Kênh huy động vốn quan trọng
Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, Bộ GTVT đã tiếp nhận 134 chương trình, dự án giao thông sử dụng vốn ODA với tổng mức đầu tư 22,54 tỷ USD. Trong đó, 112 dự án ODA (bao gồm 9 dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) đã hoàn thành và đi vào khai thác, góp phần thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông, thúc đẩy KT-XH đất nước phát triển.
Những năm qua, WB đã cung cấp nhiều khoản vay ưu đãi cho ngành GTVT để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Hiện tại, 9 dự án giao thông sử dụng vốn WB đã hoàn thành đi vào khai thác, tạo cú hích lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đột phá. Điển hình nhất là dự án khôi phục cải tạo, nâng cấp QL1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau giai đoạn 1 được triển khai từ năm 1995. Khi đó, QL1 đã xuống cấp nghiêm trọng, nền đường nhỏ hẹp với bề rộng chỉ 7-8m, khiến các phương tiện đi lại trên hành trình Bắc - Nam rất gian nan. Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường huyết mạch trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo danh mục chuẩn bị các dự án đầu tư mới của Bộ GTVT bằng hình thức ODA có 5 dự án được đề xuất thực hiện bằng nguồn WB gồm: Dự án xây dựng đoạn cao tốc Dầu Giây - Xuân Lộc (36km) thuộc đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (TMĐT 294 triệu USD, vay WB 257 triệu USD), dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (TMĐT 300 triệu USD, vay WB 250 triệu USD), dự án quản lý tài sản đường địa phương (TMĐT 435 triệu USD, vay WB 385 triệu USD), dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng Bắc bộ - WB6 bổ sung (TMĐT 112 triệu USD, vay WB 83 triệu USD), dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung (TMĐT 170 triệu USD, vay WB 150 triệu USD). |
Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA1 cho biết, trước tình hình nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn chế, WB đã quyết định tài trợ khoản vay ưu đãi trị giá hơn 400 triệu USD để triển khai 3 hợp phần cải tạo, mở rộng QL1 do Ban QLDA1 làm đại diện chủ đầu tư gồm: Hà Nội - Vinh - Đông Hà, Đông Hà - Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh - Năm Căn. “Từ khoản vay ưu đãi có giá trị rất lớn của WB, toàn bộ các hợp phần của dự án QL1 do chúng tôi thực hiện hoàn thành vào năm 2007. Các dự án được nâng cấp, mở rộng với nền đường 12m, mặt đường 11m, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và thông thương hàng hóa”, ông Lâm nói.
Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng 4 dự án sử dụng vốn vay của WB với tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ USD gồm: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (hợp phần WB: 613,5 triệu USD), dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long - WB5 (363,7 triệu USD), dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng Bắc bộ - WB6 (204,4 triệu USD) và dự án quản lý tài sản đường bộ - VRAMP (250 triệu USD).
Ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết, WB đã cung cấp khoản ưu đãi (vay IDA) khoảng 17 triệu USD từ nguồn vốn dư của dự án nâng cấp mạng đường bộ phía Bắc (RNIP) và quỹ hỗ trợ chuẩn bị dự án (PPTAF) để thực hiện thiết kế kỹ thuật tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đặc biệt, WB cung cấp hai khoản vay ưu đãi khoảng 143,5 triệu USD và một khoản vay thương mại (vay IBRD) trị giá 470 triệu USD để đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn từ Tam Kỳ đi Quảng Ngãi.
“Việc vay vốn WB để đầu tư xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một kênh huy động vốn rất quan trọng trong điều kiện nguồn vốn trong nước gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành và đi vào khai thác, sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền Trung, đặc biệt là các địa phương nơi dự án đi qua”, ông Cường nói.
Giải ngân vốn nhanh đi kèm nhiều chính sách ưu đãi
Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện chủ đầu tư các dự án giao thông sử dụng nguồn vốn vay WB đều có chung nhận định, cơ chế giải ngân dòng tiền của nhà tài trợ luôn kịp thời, rõ ràng, minh bạch, đi kèm những khung chính sách hỗ trợ dự án hiệu quả. Ông Nguyễn Thế Cường cho biết: “Với hợp phần dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sử dụng vốn vay của WB, nhà tài trợ cho phép chủ đầu tư sử dụng tài khoản chuyên dùng để giải ngân. Do đó, chúng tôi có thể chủ động cân đối nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu đáp ứng tiến độ của công trình. Trong quá trình triển khai, WB còn hỗ trợ năng lực cho VEC thông qua việc cung cấp các khóa đào tạo miễn phí về đấu thầu, quản lý dự án, giám sát”.
Ông Nguyễn Xuân Lâm khẳng định: “Các dự án ODA sử dụng vốn vay WB chủ yếu gặp khó khăn về nguồn vốn đối ứng trong nước còn nguồn vốn cam kết của nhà tài trợ không bao giờ thiếu”. Theo ông Lâm, đi kèm với nguồn vốn vay ưu đãi, WB còn đưa các chính sách về an sinh xã hội để hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. “Do vậy, khi triển khai các dự án WB, công tác thu hồi đất, GPMB thường được thực hiện nhanh chóng và không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đang thực hiện triển khai hai dự án sử dụng vốn của WB gồm WB5 và WB6, ông Lê Huy Thăng, Tổng giám đốc BQL các dự án đường thủy đánh giá, bên cạnh những dự án đường bộ, WB luôn dành sự ủng hộ rất lớn cho các dự án phát triển đường thủy tại Việt Nam, nhất là hai dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng Bắc bộ.
“Các dự án phát triển đường thủy có suất đầu tư thấp nhưng hiệu quả mang lại rất lớn về vận tải, dân sinh và môi trường. Trong quá trình triển khai, WB luôn dành sự quan tâm, ủng hộ tối đa cho các dự án này. Họ đưa ra các cơ chế quản lý rất tích cực, nguồn vốn tài trợ cho dự án luôn đảm bảo đầy đủ theo tiến độ hợp đồng. Đặc biệt, tại dự án WB6, nhà tài trợ còn cho phép chủ đầu tư giải ngân theo báo cáo về nhu cầu. Đây là chính sách rất hiệu quả để cung cấp đầy đủ vốn cho các nhà thầu nhằm đảm bảo đúng tiến độ dự án”, ông Thăng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận