Đất mà Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho QCGL là sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp, không phải là đất công |
Ngày 22/4, Quốc Cường Gia Lai (QCGL) lại vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và các cổ đông, đối tác của QCGL để phản hồi các thông tin trên báo chí sau sự việc nhận chuyển nhượng 32.4ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Ông Nguyễn Quốc Cường - người thông tin báo chí cho biết, những ngày qua nhiều phương tiện thông tin truyền đăng tải việc QCGL nhận chuyển nhượng 32,4 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dưng Tân Thuận (công ty Tân Thuận) nhưng có nhiều thông tin chưa chính xác.
Trước hết, QCGL khẳng định quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 32,4 ha là đất da beo mà công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho QCGL 100% không phải là đất phải thông qua đấu giá với 3 lý do.
"Thứ nhất, các thửa đất này không phải do Nhà nước giao đất cho công ty Tân Thuận quản lý. Và đất không phải đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, không phải là đối tượng đất thuộc sở hữu Nhà nước giao cho cơ quan nhà nước sử dụng theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng năm 2007.
Thứ hai, các thửa đất mà công ty Tân Thuận chuyển nhượng là đất nông nghiệp. Công ty Tân Thuận đã dùng nguồn tiền hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty để thương lượng đền bù trực tiếp với người dân. QCGL cũng đã và đang đền bù các thửa đất trong khu vực này cho dân. Vì hiện nay Tân Thuận chỉ mới chuyển nhượng cho QCGL 32,4ha/50 ha đất mà QCGL làm dự án.
Thứ ba, công ty Tân Thuận có vốn 100% thuộc chủ sở hữu là Văn phòng Thành Uỷ nhưng là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đất Đai. Các thửa đất của Tân Thuận đền bù trực tiếp của người dân là hàng hoá của doanh nghiệp và được kê khai sổ sách hạch toán vào tài khoản 154 là hàng hoá tồn kho của công ty. Hơn nữa nguồn thu từ việc chuyển nhượng này được điều chuyển bổ sung vào nguồn vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ tạo nguồn thu cho ngân sách Đảng bộ TP", đại diện QCGL phân tích.
Cũng theo vị này, căn cứ vào Điều 118 Luật Đất Đai 2013, các thửa đất chuyển nhượng không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và không thuộc các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điều luật này. Việc đàm phán, thương lượng và đi đến ký kết Hợp đồng diễn ra trong suốt 10 tháng đều tuân thủ đúng theo quy định của Luật doanh nghiệp, luật kinh doanh BĐS và Luật đất đai.
Trước đó, ngày 9/2/2018 Tân Thuận và QCGL có ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng sau khi tham khảo các ý kiến của Ban ngành và Sở TNMT mức giá 1,944.800 đồng/m2 (chưa VAT) mà Sở TNMT xác định là giá đất được trừ váo số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất dự án. Vì thế QCGL đồng ý tăng thêm 155,3 tỷ (chưa VAT) và sẽ thanh toán chậm nhất vào 12/2018. Như vậy tổng giá trị hợp đồng là 632 tỷ đồng (đã có VAT).
"Vì thế chúng tôi cho rằng việc chuyển nhượng 32,4ha đất giữa Công ty Thân Thuận cho QCGL không phải là đất công. Và việc gây thất thoát hàng ngàn tỷ trong việc chuyển nhượng này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý", ông Cường khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận