Bộ NN&PTNN tổ chức họp với 4 tỉnh xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. |
Chiều ngày 23/4, tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp phát triển & Nông Thôn đã có buổi làm việc với 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế để đánh giá nguyên nhân ban đầu và bàn biện pháp khắc phục hậu quả của hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiết lộ thông tin về việc phát hiện các tàu nước ngoài di chuyển vào vùng biển tỉnh này và các tỉnh lân cận trước thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt.
Cá biển chết hàng loạt trôi dạt vào bờ khiến người dân hoang mang. |
Cụ thể, ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện tượng cá chết xuất hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 15/4, xuất phát từ một số lồng bè nuôi cá của người dân vùng ven biển giáp ranh tỉnh Quảng Trị. Sau đó 1 ngày, cá biển bắt đầu chết hàng loạt tại tất cả các khu vực bờ biển của tỉnh (trừ Hội An) và trôi dạt vào bờ. Qua công tác lấy mẫu nước, mẫu xác cá chết, chúng tôi đã loại bỏ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh và môi trường nước không đảm bảo.
Kết quả này cũng trùng khớp với kết quả phân tích của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã đưa ra trong cuộc họp.
Về yếu tố cá nhiễm độc tố dẫn đến chết hàng loạt, ông Hùng cho biết: Từ hiện tượng cá chết hàng loạt, chúng tôi đặt câu hỏi tại sao ở Nghệ An và Đà Nẵng không xuất hiện hiện tượng này mà chỉ xuất hiện từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) kéo dài đến Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Điều này cho thấy nguồn phát sinh độc tố nằm hoàn toàn trong khu vực vùng biển của 4 tỉnh, thế nhưng vẫn chưa thể xác định được đó là nguồn độc tố tự nhiên hay do tác động của con người.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Thừa Thiên Huế đặt nghi vấn về tàu nước ngoài. |
Cũng theo ông Hùng, ngoài nghi vấn nhà máy, khu công nghiệp dọc bờ biển xả thải gây chết cá hàng loạt thì cũng không loại trừ khả năng tác nhân gây nên sự việc là các tàu nước ngoài. Ông Hùng tiết lộ: "Vào ngày 8/4, chúng tôi nhận được thông tin có 1 tàu nước ngoài đi vào vùng biển Thừa Thiên Huế để xin nước ngọt. Quan sát trên tàu, thấy rằng đây là dạng tàu thu mua trên tàu chi có 3 người, không có ngư cụ… Rồi trước đó, lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Bình cũng đã bắt giữ 5 tàu nước ngoài cùng 28 thuyền viên xâm phạm vùng biển nước ta. Từ các sự việc như vậy, không loại trừ khả năng việc cá nhiễm độc chết hàng loạt có yếu tố của tàu nước ngoài".
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, từ ngày 6/4 tại xã Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ xuất hiện hiện tượng cá nuôi trong lồng bè và cá biển gần bờ sống ở tầng đáy chết hàng loạt. Sau đó, tại các xã lân cận như Kỳ Ninh, Kỳ Nam, Kỳ Hà, Kỳ Phương cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Đến ngày 10/4 tại vùng biển xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình người dân cũng ghi nhận hiện tượng cá biển chết nổi trôi dạt vào bờ giống như Hà Tĩnh. Tiếp đó, các ngày từ 14 – 19/4 các vùng biển phía Nam của tỉnh Quảng Bình và các vùng biển của Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cũng đồng loạt xuất hiện hiện tượng này.
Qua công tác kiểm tra, lấy mẫu, phân tích các mẫu thu từ các vùng biển, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã khẳng định hiện tượng cá chết hàng loạt không phải do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước mà khả năng cá chết do bị nhiễm độc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, Bộ NN&PTNN cùng các bộ ngành liên quan vận chưa xác định được loại độc tố gây chết cá và nguồn gốc phát sinh độc tố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận