Chuyện con ruồi trong chai nước Tân Hiệp Phát và án tù 7 năm với anh Minh là tâm điểm dư luận |
1. Chuyện con ruồi “đi lạc” vào chai nước của Tân Hiệp Phát có giá 500 triệu và mức án 7 năm tù cho anh Minh vì tội tống tiền trở thành tâm điểm dư luận cả tháng nay nhưng hình như không ai đặt câu hỏi: Hội Bảo vệ người tiêu dùng đang ở đâu khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn quyền lợi giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm?
Tôi ngạc nhiên khi thấy đám đông đang hô hào tẩy chay Tân Hiệp Phát quá hăng hái chuyện người khác mà quên hẳn việc thiết thân nhất đến họ. Đã có lúc nào họ tự hỏi sẽ làm gì nếu một sáng đẹp trời phát hiện con ruồi trong gói mì ăn liền? Tôi chắc hẳn sau vụ “anh Minh”, không mấy ai mang con ruồi trong gói mì đi ngã giá với nhà sản xuất nhưng tôi dám chắc có tới 99% số người đọc bài này lúng túng lựa chọn cách hành xử.
Họ sẽ lẳng lặng vứt gói mỳ đi hay thông tin cho báo chí và mang tới hãng sản xuất khiếu nại? Nếu quá phiền hà trong cuộc đấu tranh với hãng mỳ gói, họ sẽ bỏ cuộc hay ủy quyền cho ai đó theo đuổi một vụ kiện?
Thực ra còn một lựa chọn khác mà người Việt dường như chưa bao giờ được tiếp cận, đó là ủy quyền cho Hội Bảo vệ người tiêu dùng đòi lại sự công bằng cho số đông.
2. Tôi nói “dường như chưa bao giờ được tiếp cận” là bởi vì thực ra đã có những người tiêu dùng tìm tới hội này để được bảo vệ. Nhưng kết cục thật bi hài. Anh Minh trong vụ “con ruồi và Tân Hiệp Phát” đã từng đệ đơn lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương nhưng bị từ chối vì với tư cách là đại lý bán nước giải khát, anh là khách hàng nhưng lại không phải là người tiêu dùng trực tiếp.
Vừa mới đây thôi, ở Tiền Giang, một người tiêu dùng khác phát hiện 6 chai nước của tập đoàn Tân Hiệp Phát có những lợn cợn bất thường đã vội vã mang tới hội nhờ bảo vệ thì nhận lại một kết quả bất ngờ: Phải có hóa đơn mua hàng mới nhận đơn khiếu nại.
Ở Việt Nam, ai mua 6 chai nước giá chưa tới 100 nghìn đồng mà lại lấy hóa đơn. Hóa ra, việc cậy nhờ đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ cũng không hề đơn giản. Nên nhớ, phải đáp ứng được nhiều điều kiện mới được bảo vệ. Quy định, giấy tờ lằng nhằng khó thực thi y như việc đến cửa cơ quan công quyền.
3. Nói vậy không phải chê bai và đổ mọi trách nhiệm lên hàng trăm người đang làm việc tại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ địa phương tới T.Ư. Bởi, họ cũng đang bị ràng buộc bởi những nguyên nhân “biết rồi, khổ lắm nói mãi” như thiếu kinh phí, nhân lực... Nhưng giá như có ai đó, động lực nào đó phá bỏ được những tư duy cũ kỹ, cứng nhắc và mang nặng tính hành chính như những cán bộ Nhà nước cho những người làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì xã hội sẽ khác.
Tôi có một người bạn rất thành công trong kinh doanh, chị nói thay vì “chém gió” trên facebook buộc tội anh A, đơn vị B mà chưa đủ căn cứ, chị sẵn sàng góp tiền đóng quỹ cho hội nếu thấy những hoạt động của hội có ý nghĩa.
Tôi cũng giống chị và tôi tin có hàng trăm nghìn người khác sẵn sàng góp tiền, (có thể chỉ cần mỗi người 100.000 chuyển khoản) cho một chương trình giám định vệ sinh an toàn thực phẩm có hệ thống, công khai các chỉ số xét nghiệm và chung tay loại bỏ thực phẩm bẩn. Một vấn đề quá nóng bỏng hiện nay nhưng chưa có một tổ chức nào đủ uy tín và sức mạnh thực hiện, cũng như chưa có một chiến dịch dài hơi nào khả thi.
Tôi cũng sẵn sàng góp tiền để hội có kinh phí đại diện cho những người tiêu dùng yếu thế theo đuổi cuộc chiến pháp lý để bảo vệ quyền lợi như trường hợp anh Minh vụ Tân Hiệp Phát trong lần xử phúc thẩm tới đây.
Chỉ có điều, không biết bao giờ Hội Bảo vệ người tiêu dùng mới thoát khỏi chiếc áo cũ đã quá gò bó của mình?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận