Từ việc rác thải chất đống ở nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội trong nhiều ngày, câu chuyện về cuộc sống khốn khổ của người dân ven bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn đã được nhiều người biết đến hơn.
Gần 2 vạn tấn rác ùn ứ trong nội thành
Đến ngày 15/1, trên nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội, lượng rác ùn ứ sau 4 ngày vẫn còn rất lớn do chưa được chuyển kịp sang Khu liên hợp xử lý chất Nam Sơn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.
Sự việc bắt đầu từ tối 10/1, khi một nhóm khoảng 50 người dân xã Nam Sơn tập trung dựng lều, dùng chướng ngại vật ngăn cản xe vào đổ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Người dân cho rằng TP Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã chậm thực hiện các chính sách với người dân bị ảnh hưởng bởi khu xử lý chất thải. Suốt từ đó cho đến ngày 13/1, lãnh đạo huyện đã 3 lần xuống hiện trường đối thoại với người dân nhưng đều không có kết quả.
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tiếp nhận, xử lý rác chính của các quận, huyện ở Hà Nội với công suất trên 4.000 tấn mỗi ngày, cao điểm lên tới 6.000 tấn/ngày. Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, khi bãi rác bị người dân chặn xe vào, đơn vị đã điều chuyển tạm thời rác đến các bãi tập kết tại Nhà máy Chế biến phế thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), Trạm trung chuyển rác thải Lâm Du (quận Long Biên).
Đến gần tối 13/1, UBND thành phố có văn bản gửi các sở, ngành liên quan, yêu cầu sớm thực hiện bồi thường hỗ trợ, GPMB theo ranh giới, chỉ giới quy hoạch vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Việc GPMB được yêu cầu phải xong trước 15/12, còn việc bồi thường xong trong quý II/2019.
Tuy nhiên, từ sáng đến cuối giờ chiều 14/1, hàng trăm người dân vẫn tập trung tại tỉnh lộ 35 để chặn xe vào khu xử lý rác Nam Sơn vì họ cho rằng, văn bản của thành phố mới đáp ứng 70% yêu cầu của họ. Phải đến sẩm tối, trước sự thuyết phục của chính quyền địa phương, người dân mới đồng ý dỡ rào chắn, bỏ chướng ngại vật để xe chở rác vào bãi.
Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, trong những ngày qua, xã đã cố gắng vận động tuyên truyền, thuyết phục bà con nhân dân tháo dỡ lều bạt để xe vận chuyển rác vào khu xử lý. “Nguyện vọng lớn nhất của người dân lúc này là muốn thành phố đẩy nhanh tiến độ GPMB để người dân sớm được chuyển tới nơi ở mới”, ông Hòa nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Cường, Phó tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP Hà Nội thông tin, trong 4 ngày (từ 11- 14/1), lượng rác thải ứ đọng tại những điểm tập kết rác ở các quận nội thành là khoảng 18.000 tấn. Từ tối 14/1 đến trưa 15/1, công ty đã vận chuyển được khoảng 5.700 tấn, số còn lại sẽ tiếp tục giải phóng trong 2-3 ngày tới.
20 năm sống chung với mùi hôi thối
Là một trong những người dựng lều chặn xe vào đổ rác, bà Nguyễn Thị Lý (70 tuổi, thôn Đông Hương, xã Nam Sơn) cho biết, việc này xuất phát từ chủ trương cũng như lời hứa của lãnh đạo thành phố và huyện. Theo đó, người dân sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn có nguyện vọng di dời tới nơi ở mới vì không thể chịu nổi mùi hôi thối. Năm 2016, trong một lần đối thoại với người dân nơi đây, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung có hứa sẽ sớm giải quyết nguyện vọng này. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc không có gì thay đổi.
“Dân ở đây khổ sở vì mùi hôi thối từ bãi rác đã 20 năm nay. Mùi hôi thối theo cả vào những giấc ngủ bữa ăn, lẩn quất trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Trẻ con gia đình nào có thể sơ tán thì được mang đi gửi nội ngoại, còn người lớn thì phải cầm cự”, bà Lý nói và cho hay, đây cũng không phải lần đầu tiên người dân tổ chức chặn xe vào bãi rác để phản đối. Lần Chủ tịch thành phố về đối thoại với dân năm 2016 cũng là lần dân đã tổ chức chặn xe.
Còn bà Trần Thị Huệ (60 tuổi, thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) cũng tỏ ra bức xúc không kém: “Nhà tôi ngay sát tường rào khu xử lý rác. Không biết tả thế nào cho chính xác nhưng phải nói là hôi thối không thể tưởng tượng được. Mỗi bữa cơm, cả nhà phải mắc màn rồi dọn cơm vào đó để ăn”. Theo bà Huệ, cực chẳng đã người dân mới phải ra chặn xe. Bởi theo như cam kết của chính quyền thì từ năm 2014 - 2018, tất cả các hộ dân trong phạm vi bán kính 500m tính từ bãi rác sẽ được di dời đến nơi ở mới. Mặc dù vậy mọi chuyện vẫn không được ai đứng ra giải quyết.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Huynh (40 tuổi, thôn Xuân Thịnh, Nam Sơn) kể, nhà anh cách đường xử lý nước thải của bãi rác Nam Sơn chỉ vỏn vẹn 6m. Dân trong thôn không ai dám mở cửa, vì hễ mở là mùi hôi thối xộc vào. Rất nhiều người đã mắc bệnh về đường hô hấp. “Mục đích chặn xe lần này cũng là muốn Chủ tịch thành phố về đối thoại với dân, vì rõ ràng ông ấy đã hứa mà không làm. Gần 20 năm nay chúng tôi đã quá khổ sở rồi”, anh Huynh nói.
Về nguyện vọng khi di dời, ông Trần Đình Hưng (55 tuổi, thôn Xuân Thịnh, Nam Sơn) cho hay, hiện người dân không đồng ý vị trí khu tái định cư tại xã Hồng Kỳ, bởi vị trí này cũng rất gần bãi rác, không cách xa địa điểm cũ là bao nhiêu. Bên cạnh đó, người dân mong diện tích tái định cư tối thiểu là 240m2/hộ để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Cũng có những hộ dân muốn nhận được tiền đền bù một lần nhưng đơn giá phải thỏa đáng.
Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn (trong đó, 8 khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới); 5 trạm trung chuyển; 26 bãi đổ chất thải rắn xây dựng; 3 bãi chôn lấp bùn thải thoát nước.
Thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp 2 khu xử lý tập trung là Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây và Ba Vì). Ngoài ra, các chất thải rắn còn được xử lý tại các khu xử lý có quy mô nhỏ tại Phương Đình (Đan Phượng), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm)… Hiện nay, thành phố đang nghiên cứu bổ sung quy hoạch xử lý chất thải rắn để bổ sung khu Dự án nhà máy xử lý chất thải tại Tả Thanh Oai (Thanh Trì) và bổ sung chức năng xử lý chất thải nguy hại đối với Khu xử lý chất thải rắn Việt Hùng (Đông Anh).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận