Pháp đình

Vụ Hoa hậu Phương Nga: "Hợp đồng tình cảm" là trái luật

22/09/2016, 15:04
image

Luật sư nhận định, "Hợp đồng tình cảm" (nếu có) trong vụ Hoa hậu Phương Nga là trái quy định pháp luật Việt Nam.

hoa-hau-phuong-nga

Luật sư nhận định, "Hợp đồng tình ái" trong vụ Hoa hậu Phương Nga nếu có là trái quy định pháp luật Việt Nam. (Ảnh: Zing News)

Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 21/9, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm xét xử Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, Hà Nội, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (27 tuổi) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, HĐXX thấy còn nhiều vấn đề chưa được điều tra làm rõ nên quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Đáng chú ý là tại tòa, Hoa hậu Phương Nga thừa nhận rằng giữa bị cáo và bị hại có "Hợp đồng tình ái" trị giá 16,5 tỷ đồng. Hợp đồng có "điều khoản" là Nga phải quan hệ tình cảm với bị hại trong 7 năm tính từ năm 2012. Ngoài ra, bị cáo Dung khai cũng đã đọc được "Hợp đồng tình ái" này nhưng tên hợp đồng đó là "Hợp đồng tình dục".

Nhằm làm rõ hơn về nội dung nêu trên, PV đã trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) để làm rõ.

Luật sư Tuấn Anh cho biết: "Trước hết đây là lời khai một phía từ Hoa hậu Phương Nga nên tôi chưa thể khẳng định hợp đồng tình cảm này có thật hay không? Phương Nga cũng chưa chính thức đưa ra “bản hợp đồng” này để làm chứng cứ xác thực lời khai của mình. Đây là một trong những yếu tố để TAND TP.HCM trả hồ sơ để Viện kiểm sát để điều tra bổ sung".

“Hợp đồng tình ái” là trái quy định của pháp luật Việt Nam

Trong trường hợp lời khai của bị cáo Nga, Dung là đúng sự thật, theo quy định của Pháp luật Việt Nam thì không có quy định nào về “Hợp đồng tình ái”. Nếu coi đây là một “hợp đồng dân sự” thì nó đã vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 389 BLDS 2005.

Bởi lẽ, tình cảm là thứ xuất phát tự nguyện từ bản thân của hai phía. Không thể dùng tiền bạc, tài sản hay thậm chí là danh lợi để giao dịch. Như vậy, hành vi dùng 16,5 tỷ VNĐ để đổi lấy 07 năm quan hệ tình cảm với ông Cao Toàn Mỹ là trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc ta.

 (Nguồn: VnExpress)

Chế tài xử lý về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng

Luật sư Tuấn Anh nhận định: "Nếu lời khai của Nga là đúng sự thật trong trường hợp này bị cáo đã biết ông Cao Toàn Mỹ có vợ và vẫn đồng ý chung sống, quan hệ tình cảm thì ông Cao Toàn Mỹ và Hoa hậu Phương Nga có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP".

"Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;.."

Ngoài ra, tùy vào mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 147 BLHS 1999:

“Điều 147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.