Kinh tế

Vụ tiền ảo 15.000 tỷ: Có thể truy tố người môi giới?

12/04/2018, 07:00

Theo nhận định của các luật sư, không chỉ là đối tượng “thiệt hại”, những người đầu tư, môi giới tiền ảo đa cấp...

8

Một khóa đào tạo đầu tư tiền ảo tại TP.HCM

Xử lý những người trung gian

Nhiều người dân vì ham “lãi suất khủng” đã đầu tư tiền ảo có tên Ifan và Pincoin do Công ty CP Modern Tech (tọa lạc tại tòa nhà 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) huy động. Việc Công ty CP Modern Tech biến mất  đã khiến hơn 32.000 người đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền hơn 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, nhiều ý kiến cho rằng, những người đang đi tố mình bị hại, bị lừa… không chỉ mất tiền mà còn có khả năng bị liên đới hình sự.

Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng

Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng.Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, các bộ, ngành trên đề xuất biện pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/4 tới đây.

Theo luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội), sự việc vừa qua có thể hiểu là một dạng huy động vốn bằng tiền ảo được thực hiện theo mô hình đa cấp. Với kinh doanh đa cấp, khâu trung gian đóng vai trò quan trọng gây nên những thiệt hại lớn cần xử lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, họ lại đang được coi là “nạn nhân”. “Theo tôi, cần xử lý những người có vai trò chính, nhất là những người đã thu được nhiều lợi nhuận từ việc tham gia bán hàng đa cấp trái pháp luật. Làm như vậy may ra mới ngăn chặn được các vụ lừa đảo tương tự”, ông Đức nói.

Cũng theo luật sư Đức, những người huy động vốn trái phép trong vụ này nếu có thủ đoạn gian dối có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu không, có thể xử tội kinh doanh đa cấp trái pháp luật.

Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn luật sư TP.HCM dẫn luật tại Khoản 6, Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150-200 triệu đồng. Với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự.

Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào thực hiện hành vi “phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả” gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỉ đồng trở lên có thể bị phạt tù đến 20 năm.

“Quy định này không chỉ xử lý hình sự với các đối tượng đứng ra tổ chức, mà những người tham gia đường dây này, kêu gọi người khác tham gia vừa là nạn nhân, nhưng cũng đồng thời là đồng phạm với đối tượng cầm đầu. Vì vậy, họ không chỉ là người “bị hại” mà rất có thể bị xử lý hình sự”, luật sư Tuấn Anh nói.

Còn nhiều người thiệt hại chưa lên tiếng

Nhìn lại toàn bộ sự việc tham gia đường dây tiền ảo mất 15.000 tỷ đồng, chuyên gia kinh tế Dương Anh Vũ cho biết: Vụ lừa đảo của Ifan có 2 vấn đề cần đề cập: Niềm tin và ham lãi suất cao. Niềm tin được tạo dựng bởi các chân rết trong giới tiền ảo Việt Nam. Kết hợp với mức lãi suất cao đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. Đây là sự kết hợp tạo nên cái bẫy “kinh điển” nên ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn bị dính vào Ifan.

Những ngày gần đây, không ít người tìm cách tháo chạy khỏi tiền ảo, đa cấp… nhưng lực bất tòng tâm. Điều đáng nói đến lúc này nhiều người chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.

Chị Lê Thùy, nhà ở Tân Bình, TP HCM cho biết, trước đó nghe người quen nên đã bỏ 1 tỉ đồng mua tiền ảo. Hiện nay, chị vẫn nhận tiền lãi hàng tháng. Nhưng sau vụ việc Ifan vừa qua khiến nhiều chị em trong nhóm của chị Thùy rất hoang mang.

Theo ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, trên thị trường tiền kỹ thuật số có đến 95% là coin rác. Đây là yếu tố nguy hiểm đối với những nhà đầu tư mới  tham gia. Để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong lúc này tôi chỉ có một câu: “Lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro”.  Chỉ tính 3 tháng trở lại đây nhiều đồng tiền ảo đã giảm giá tới 50%, vậy với những ai dùng đòn bẩy tài chính thì đều có nguy cơ vỡ nợ. Vì thế, nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác, đừng vì ham lợi nhuận cao mà có ngày trắng tay.

“Điều đáng nói, người chơi thực sự mấy ai biết, hiểu mà chơi nên thường hay ủy thác cho người khác. Lợi dụng khe hở này… sẽ có những công ty, nhóm người thành lập nên, phát triển trở thành huy động vốn dạng đa cấp. Đây mới là cửa ngõ của rủi ro và mất trắng khi có sự cố xảy ra”, ông Vũ nói.

Tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới tiền ảo

Thủ tướng Chính phủ vừa ký chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội do tiền ảo gây ra, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Bộ Tài chính được giao chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ khác tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, tăng cường điều tra và phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo, hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Hoài Vũ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.