Xã hội

Vụ trưởng bị tố "hầu đồng": Có xâm phạm đời tư cá nhân?

10/10/2016, 19:00

Sau khi một Vụ trưởng bị tố "hầu đồng", nhiều nhà văn hoá, xã hội học đã lên tiếng xung quanh sự việc này.

6

Ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Y tế

Liên quan đến sự việc ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Y tế bị tố tham gia hầu đồng cầu thăng quan tiến chức, nhiều chuyên gia văn hoá, xã hội học đã lên tiếng có ý kiến về việc này.

GS.TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam cho rằng, bản chất của sinh hoạt văn hóa dân gian hầu đồng không gắn bó với sự thăng quan tiến chức, và không nên nghĩ rằng, hầu đồng nhiều là được thăng quan tiến chức.

Đặc biệt, nếu đến với lên đồng như một sự kinh doanh, lại sử dụng thời gian hành chính, sử dụng phương tiện công vào đi hầu đồng thì càng không được. Nhưng trong vụ việc cụ thể đang được dư luận quan tâm thì phải có sự xem xét, xác minh rõ ràng chứ không thể tuỳ tiện phán quyết, sẽ làm ảnh hưởng đến nét tín ngưỡng tâm linh, xâm phạm đời tư cá nhân của người khác.

Cũng cho ý kiến về bài báo tố Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Y tế tham gia hầu đồng, nhà xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển cho rằng, qua theo dõi clip mà tờ báo điện tử đăng thì không thể khẳng định nghi lễ đó là nghi lễ hầu đồng, người viết bài dùng từ “hầu đồng” quy chụp cho Tứ phủ đạo mẫu là sai, không hiểu biết về văn hóa, bởi Đạo Mẫu Tứ Phủ không có lễ nào xin xỏ các thánh vun vén cho quyền lợi cá nhân cả.

Bên cạnh đó, ông Linh cũng cho rằng bài báo cũng chưa đưa ra đủ căn cứ là vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cầu quan chức và lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay dùng công quỹ làm chuyện đó. Nếu khẳng định cán bộ này có hành vi sai trái như dùng công quỹ hay lợi dụng chức vị quyền hạn, lấy việc công làm việc tư thì bài báo cần phải có thêm bằng chứng rõ ràng, thuyết phục hơn nữa.

“Lễ của vị Vụ trưởng kia nhằm mục đích gì thì người trong cuộc rõ hơn ai hết, còn qua quan sát thì đây giống lễ cầu cúng, dâng sớ giải hạn…, đều là các  tín ngưỡng dân gian thông thường mà ở đền nào cũng có” – ông Linh nói thêm.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, hầu đồng là một nét tín ngưỡng văn hoá, không ai cấm, nhưng nếu xét một cách thật nghiêm túc, với một cán bộ Đảng viên phải là “vô thần”, không tham gia các hoạt động này.

Tuy nhiên, thực tế xã hội hiện nay đã khác, xã hội cởi mở hơn, phát triển phong phú hơn, nên thực tế vẫn có những Đảng viên vẫn đi lễ chùa, vẫn nghe đạo Phật…, vì đây cũng là những nơi chân thật, là nơi để người ta giải quyết được nhiều vấn đề tư tưởng nên ở góc độ nào đó cần phải được tôn trọng.

Trước đó, một tờ báo đăng tải thông tin phản ánh về vụ việc ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cùng 1 đoàn 7 xe ô tô đến đền Bảo Lộc, Nam Định để “hầu đồng” nhằm cầu may mắn và thăng quan tiến chức.

Thông tin trong bài báo cũng cho hay ông Tác đã dùng nhiều tiền để mua, đặt lễ. Ngay sau đó, ông Phạm Văn Tác lên tiếng khẳng định với báo chí đó là những thông tin không đúng sự thật mà mang tính chất quy chụp, xâm phạm đời tư cá nhân.

Ngày 10/10, ông Tác đã làm đơn gửi Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Y tế yêu cầu xác minh, làm rõ thông tin mà bài báo đăng tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.