Xã hội

Vượt sóng dữ cứu ngư dân giữa Hoàng Sa

03/10/2016, 13:05
image

Tại ngư trường Hoàng Sa, mỗi ngư dân đều ý thức được thiên tai và nhân tai luôn rình rập bên mạn tàu...

6

Với các thủy thủ tàu SAR 412, cứu ngư dân là nhiệm vụ thiêng liêng nhất - Ảnh: Tấn Việt

Tại ngư trường Hoàng Sa, mỗi ngư dân đều ý thức được thiên tai và nhân tai luôn rình rập bên mạn tàu. Tập thể thủy thủ trên tàu cứu nạn SAR 412 (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II Đà Nẵng, Cục Hàng hải Việt Nam) luôn là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

3 giờ giữa vòng “vây ráp”

Ánh nắng le lói đầu thu rọi xuống Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC). Trên cầu cảng, các thủy thủ tàu SAR 412 bận bịu việc chùi rửa, vệ sinh boong tàu. “Tranh thủ nắng làm vệ sinh chứ mấy hôm mưa dữ quá”, một thủy thủ trẻ nói, hai tay cầm giẻ lau hì hục rửa sàn. Trong buồng máy, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn tỉ mỉ kiểm tra nhật ký hành trình, đối chiếu với các thông số lưu trên thiết bị điện tử. Nhân tai, thiên tai ngày càng phức tạp khiến công việc của ông Sơn cùng tập thể tàu ngày càng vất vả. Nhưng như vị thuyền trưởng này từng nhiều lần tuyên bố, SAR 412 luôn sẵn sàng ứng cứu ngư dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

"Bóng dáng của tàu cứu nạn SAR 412 tại Hoàng Sa là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ngư dân miền Trung yên tâm bám ngư trường, khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương. Danang MRCC nói chung và các phòng ban, tàu cứu nạn cùng nhiều cá nhân liên tục nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT qua các năm. Đây là sự khẳng định vững chắc nhất cho thành quả lao động không quản ngại nguy hiểm của lực lượng cứu nạn hàng hải”.

Ông Nguyễn Anh Vũ
Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam

Chỉ tay về màn hình radar, khu vực quần đảo Hoàng Sa, ông Sơn thoáng rùng mình kể lại giây phút suýt đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc cách đây gần một năm. Khi đó, vào chiều 21/10/2015, tàu cá số hiệu KH 96977Ts do ông Phan Thành Kim (trú huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) làm thuyền trưởng đang hành nghề tại ngư trường Hoàng Sa thì bị hỏng máy chính, không thể khắc phục được. Thời tiết khu vực lúc này đang có giông lốc, biển động (ảnh hưởng của hoàn lưu bão Koppu). Lương thực, thực phẩm, nước ngọt trên tàu cạn kiệt, thuyền viên hoảng loạn, sức khỏe mệt mỏi. Ông Kim điện báo cứu nạn khẩn cấp.

Sau hơn 15 giờ đồng hồ vượt qua sóng gió, tàu SAR 412 tiếp cận được tàu cá tại vị trí cách đảo BomBay khoảng 0,5 hải lý nhưng SAR 412 lại bị các phương tiện chấp pháp phía Trung Quốc ngăn cản, không cho vào cứu nạn. “Tàu SAR 412 liên tiếp gặp phải các hoạt động cản trở, khiêu khích của tàu Trung Quốc. Chúng tôi phát thông tin cứu hộ cứu nạn bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung. Cầm micro trên tay, tôi hét dõng dạc rằng tính nhân đạo quốc tế là điều quan trọng, rồi dùng mọi lý lẽ, vận dụng các công ước quốc tế… vậy mà tàu Trung Quốc vẫn ngăn cản”, ông Sơn kể.

3 giờ giữa vòng “vây ráp”, tàu SAR 412 vẫn bám trụ, tìm cơ hội vào cứu nạn tàu cá Khánh Hòa. Theo thuyền trưởng Sơn, tàu Trung Quốc liên tục khiêu khích, lúc chạy song song với SAR 412; Lúc cố ý tăng tốc, cắt mặt rồi giảm tốc độ đột ngột, tạo tình thế để tàu SAR 412 đâm trực diện vào tàu Trung Quốc nhằm ghi hình lại tạo bằng chứng giả. Nhưng tinh thần thuyền viên trên tàu SAR 412 luôn vững vàng.

Sau 3 giờ đồng hồ kiên trì trao đổi với các cơ quan liên quan của Trung Quốc, lực lượng cứu nạn tại hiện trường tiếp cận được tàu KH 96977Ts. Lúc 14h ngày 22/10, tàu SAR 412 tiến hành chuyển thuyền viên tàu bị nạn sang tàu SAR 412 để chăm sóc sức khỏe, đồng thời lai dắt tàu bị nạn về Đà Nẵng. Trên đường về, tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn bám theo gần 100 hải lý mới chịu rời đi.

>>> Xem thêm video:

Gạt nỗi niềm riêng “gác biển” cho ngư dân

Trên tàu SAR 412 sẵn sàng chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, 22 thủy thu, gồm cả thuyền trưởng và đại đội phó tàu tập trung cao độ. Trẻ nhất trong số này là anh Trần Duy Hòa (quê Thanh Hóa). Dù mới 25 tuổi nhưng anh Hòa đã có 5 năm kinh nghiệm làm thủy thủ cứu nạn. Anh kể: “Mình đã lấy vợ và có một con nhỏ. Đặc thù công việc thường xuyên bám tàu, bám biển nên ít có thời gian dành cho gia đình. Mỗi khi tàu cập bến, mình tranh thủ chạy về nhà ngay để cố gắng tròn vai người chồng. Nhưng khi nhận điện thoại, chỉ 20 phút để có mặt trên tàu, nhiều lúc đi còn không kịp nói với vợ tiếng nào, không kịp ôm hôn con”, anh Hòa chia sẻ.

Lớn tuổi nhất trong số 20 thủy thủ tàu là ông Nguyễn Công Sơn (56 tuổi, quê Quảng Nam). Ông Sơn đã có hai cháu nội, gia đình ấm êm. “Ở tuổi của tôi ai chẳng muốn ở nhà quây quần bên con cháu. Nhưng cái nghiệp nó vận vào người. Nói thật, ở nhà chơi với cháu vậy chứ lúc nào cũng ngóng tin từ trung tâm. Có tin ứng cứu là ôm hôn hai đứa cháu rồi đi luôn”, ông Sơn nói.

Đặc biệt nhất có lẽ là trường hợp của anh Nguyễn Thế Anh (35 tuổi, quê Thái Bình) khi hai vợ chồng cùng làm tại Danang MRCC nhưng chẳng mấy khi anh chị được gần nhau. Ngay cả Tết, lênh đênh trên biển cứu nạn, anh Thế Anh cũng chỉ biết “ăn Tết” qua điện thoại. Những cuộc điện thoại đất liền và tàu SAR 412 đong đầy nỗi niềm. Áp lực công việc nên hầu hết anh em trên tàu ai cũng hài hước, dí dỏm. Giữa biển trời Tổ quốc, họ đàn hát, kể cho nhau nghe đủ các câu chuyện cho vơi bớt khoảng cách đất liền.

Lịch làm việc một ngày không ra khơi của các thủy thủ tàu SAR 412 đều đặn: Thay dầu máy, chia nhau kiểm tra thiết bị trên tàu, vệ sinh tàu, huấn luyện thể lực, tập huấn công nghệ thông tin... Đối với những “cứu tinh” trên biển này, khái niệm nghỉ ngơi dường như không còn quá quan trọng. Theo thuyền trưởng Sơn, bất kể ngày thường hay lễ, Tết, nhiều năm qua chưa có thủy thủ nào vi phạm điều lệnh “20 phút có mặt”.

“Anh em ở đây luôn tình cảm như người một nhà. Dẫu mỗi người một hoàn cảnh nhưng đối với nhiệm vụ thì không bao giờ nao núng. Tâm trạng xa gia đình luôn rất nôn nao nhưng cái nghiệp đã vận vào người. Ngoài biển khơi còn nhiều ngư dân luôn mong chờ sự có mặt của SAR 412 thì chúng tôi không bao giờ được phép ngơi nghỉ”, ông Sơn khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.