Cầu Cốc Pài sẽ được xây dựng mới, cách cầu cũ khoảng 60m về phía thượng lưu |
Cuối năm 2015, người dân sẽ có cầu mới
Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, đây là gói thầu thuộc dự án tín dụng ngành GTVT để nâng cấp, cải tạo hệ thống cầu yếu trên toàn quốc lần thứ hai. Dự án này sử dụng nguồn vốn vay ODA do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng trong nước. Trước đó, giai đoạn 1 của dự án được triển khai thực hiện từ năm 2004 với 148 cầu trên phạm vi cả nước đã được đưa vào khai thác, sử dụng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn.
“Để tiếp tục thay thế các cầu yếu còn lại trên các tuyến quốc lộ, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Ban QLDA 6, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện giai đoạn 2 của dự án với tổng số 70 cầu yếu trên địa bàn 23 tỉnh, thành phố trong toàn quốc”, ông Tuấn Anh nói.
"Trong quá trình triển khai thực hiện gói thầu, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai để hoàn thành và đưa vào khai thác ba cây cầu Cốc Pài, Suối Đỏ và Sơn Hải theo đúng kế hoạch đề ra”. Ông Phạm Tuấn Anh Tổng Giám đốc Ban QLDA 6 |
Cũng theo lãnh đạo Ban QLDA 6, gói thầu B3-19 có tổng mức đầu tư hơn 221 tỷ đồng do liên danh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) - Công ty CP Cầu 12 (Cienco1) và Công ty CP Xây dựng CTGT 144 là nhà thầu thi công. Theo thiết kế được phê duyệt, cầu Cốc Pài được xây dựng tại Km 299+450 trên QL4 thuộc địa phận thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) với tổng chiều dài 832,7 m, phần cầu chính rộng 9 m, dài 337,3 m, gồm 8 nhịp với trụ cao nhất lên tới 61,5 m.
Trong khi đó, cầu Suối Đỏ được triển khai thi công tại Km 75+662 trên QL4 (thuộc xã Bản Díu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) với tổng chiều dài 330 m, riêng phần cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài 128,5 m, rộng 8-9 m. Hạng mục còn lại của gói thầu là cầu Sơn Hải được xây dựng tại Km 15+800, QL4E (thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) với tổng chiều 180,25 m. Được biết, cả ba cây cầu của gói thầu đều có tải trọng thiết kế HL93.
“Chúng tôi đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời, trong quá trình triển khai dự án, Ban QLDA 6 sẽ quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu đẩy mạnh công tác thi công để đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành của ba cây cầu trước ngày 31/12/2015”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết, việc xây dựng những cây cầu này sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho hai tỉnh Hà Giang, Lào Cai và khu vực miền núi phía Bắc của Tổ quốc. Sau khi các cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo ra niềm phấn khích cho người dân, doanh nghiệp bởi sự kết nối thông suốt, nhanh chóng từ một vùng xa xôi hẻo lánh đến mọi miền của Tổ quốc.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GTVT, trong những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ đã không ngừng được cải thiện và nâng cấp, các cầu yếu từng bước được đầu tư xây dựng bằng các dự án riêng hoặc lồng ghép trong các dự án đầu tư nâng cấp mở rộng. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực hạn chế, đến nay vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được nâng cấp hoặc chỉ mới được nâng cấp phần đường. Do đó, trên hệ thống quốc lộ trong cả nước vẫn tồn tại nhiều cầu yếu làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của các tuyến đường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT.
Việc đầu tư xây dựng thay thế các cầu yếu trong mạng lưới đường quốc gia, đặc biệt các cầu yếu trên các tuyến quốc lộ là rất cần thiết nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường bộ trên cả nước.
Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận