Thời sự

Phó Chủ tịch Quốc hội: Xây đặc khu phải “dọn tổ đón phượng hoàng”

01/06/2018, 06:10

Theo dự kiến giữa tháng 6/2018, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt...

6

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không nên quá lo lắng vì các kịch bản phát triển đều đã được đặt ra khi xây dựng luật.

Nguyên lý “dọn chỗ để hút phượng hoàng”

Nhiều ĐBQH đưa ra cảnh báo lo ngại các chính sách ưu đãi về đất đai sẽ tạo ra đầu cơ, găm giữ đất thay vì đưa đất đai vào sản xuất, kinh doanh?

Cảnh báo của ĐBQH là xác đáng. Nhưng ở đây cùng phải thấy rằng, ưu đãi đất đai, kể cả miễn tiền thuê đất cả đời dự án trong một số trường hợp không phải là chính sách mới và ở đây dự thảo Luật cũng không miễn đồng loạt các dự án mà có trọng tâm, trọng điểm, chỉ những dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu mới được hưởng chính sách này; Đồng thời, thời hạn miễn bảo đảm sự vượt trội nhưng không quá cao so với ưu đãi hiện hành đang áp dụng ở các khu kinh tế.

Cơ quan quản lý có quyền cấp đất cho nhà đầu tư để họ hoạt động theo đúng mục tiêu của dự án và phù hợp với quy hoạch của đặc khu. Nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng mục tiêu của dự án, không phù hợp với quy hoạch thì chính quyền đặc khu có quyền thu hồi lại đất đó, có phải Nhà nước cấp đất không điều kiện và nhà đầu tư có quyền chiếm giữ mãi đâu.

Cũng có những lo ngại các chính sách ưu đãi tại 3 đặc khu sẽ hút hết nguồn lực của các địa phương khác, ông nghĩ sao?

Đây cũng là vấn đề đặt ra và được các cơ quan cân nhắc trong quá trình soạn thảo dự án Luật này. Theo nguyên tắc thị trường, nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, ở đâu có môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách ưu đãi tốt hơn sẽ có sức hút lớn hơn đối với các nhà đầu tư. Làm đặc khu là theo đúng nguyên lý “dọn chỗ” để thu hút “phượng hoàng” đến làm tổ. Cảnh báo không phải không có căn cứ, nhưng chúng ta thận trọng, lắng nghe và không phải quá lo về việc đó.

Bởi vì thứ nhất, mỗi nhà đầu tư đều có chiến lược, mục tiêu kinh doanh, những tính toán riêng về thị trường, đối tác làm ăn. Nếu họ xem xét khả năng đầu tư ở đặc khu thì ưu đãi đầu tư chỉ là một phần trong những vấn đề họ cần cân nhắc, không phải cứ ưu đãi là các nhà đầu tư đổ xô đến ngay.

Thứ hai, mỗi đặc khu theo quy định của dự thảo Luật có những ngành, nghề ưu tiên phát triển riêng và chỉ dự án đầu tư trong các ngành, nghề đó mới được hưởng ưu đãi.

Thứ ba, để được chấp thuận đăng ký đầu tư ở đặc khu, nhà đầu tư phải đảm bảo những điều kiện nhất định như quy mô dự án, khả năng tài chính, lĩnh vực đầu tư, công nghệ áp dụng và chuyển giao... chứ không phải nhà đầu tư nào muốn cũng vào được. Rồi còn phải đáp ứng các điều kiện đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất... thì mới được giao đất, cho thuê đất.

7

Phú Quốc trước ngày thành đặc khu - Ảnh: Hoàng Hà

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm

Các chính sách ưu đãi rất quan trọng, nhưng vấn đề về thể chế mới là cốt lõi được các nhà đầu tư quan tâm, thưa ông?

Đây cũng là những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm và Ủy ban TVQH đã chú trọng chỉ đạo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý sau Kỳ họp thứ 4 để hoàn chỉnh dự thảo Luật.

"So với thế giới, các đặc khu của chúng ta thành lập sau, do đó phải có những cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội mới thu hút được đầu tư, mới cạnh tranh được. Ưu đãi về đất đai là một trong các chính sách đặc biệt đó. Dự thảo Luật lần này đã giảm hợp lý các ưu đãi đất đai, cả về thời hạn và mức ưu đãi theo nguyên tắc không ưu đãi dàn trải mà có trọng tâm, trọng điểm”.

Phó chủ tịch Quốc hội
Uông Chu Lưu

Nói như vậy để thấy, thể chế vượt trội, cạnh tranh ở đặc khu không chỉ là các ưu đãi mà môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy chính quyền tổ chức tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng rất được chú trọng trong dự thảo Luật.

Thực tế Việt Nam đã “chậm chân” trong việc làm đặc khu nên sự sốt ruột, hối thúc cũng không hề nhỏ. Với những bước đi thời gian qua, theo ông đã có thể yên tâm với định hướng vạch ra?

Tất nhiên còn nhiều việc phải làm vì đây là một vấn đề rất mới, không thể nói ngay là một lúc có thể làm được hết mọi việc.

Hiện nay, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Đề án của Chính phủ về 3 đặc khu đang được trình để xem xét thông qua đồng bộ với từng bước thực hiện rất cụ thể từ nay cho tới 1/1/2019, trong đó những việc gì làm trước, việc gì làm sau đều có trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, kế hoạch của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng 3 đặc khu.

Do đó, tôi tin rằng chúng ta đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng của mình để đón nhận sự ra đời của 3 đặc khu. Đây là vân đề mới, khó, nhiều chính sách đang thử nghiệm. Vì vậy, cũng phải xác định là vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.