Thời sự

Xây dựng chính sách đột phá phát triển công nghiệp ô tô

17/12/2018, 05:55

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần xây dựng chính sách thuế phí đặc biệt để đột phá nền công nghiệp ôtô Việt.

1

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO (trái) giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dây chuyền lắp ráp xe ô tô tự động của Nhà máy THACO Mazda - Ảnh: BCP

Miễn giảm nhiều thuế phí ô tô

Tham dự buổi lễ ngày 16/12, có lãnh đạo T.Ư, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, các bộ, ngành chức năng… Theo Thủ tướng, sự ra đời Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, quyết tâm của Quảng Nam.

Chỉ 15 năm trước, vùng Núi Thành - Chu Lai đầy rẫy cát trắng, đất khó, Khu KTM đầu tiên của cả nước trên nền tảng 4 không: không hạ tầng, không nguồn nhân lực, không nhà đầu tư và không có hạ tầng… Nhưng chỉ sau 15 năm, Khu KTM đã mang tầm vóc mới, đưa Quảng Nam từ một tỉnh nghèo nhất, nhì cả nước vươn lên top những tỉnh phát triển khá. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của THACO Trường Hải, doanh nghiệp đầu tiên hưởng ứng lời mời gọi của tỉnh Quảng Nam về với Chu Lai. Chính “mối lương duyên này” đã gắn kết chặng đường phát triển của Khu KTM Chu Lai in đậm hình ảnh của “con sếu đầu đàn” Trường Hải.

Không chỉ mang ý nghĩa tiên phong, Thủ tướng đánh giá THACO là một điển hình của sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, một vấn đề mà Chính phủ đang thúc đẩy. Việc Trường Hải đầu tư khu tổ hợp cơ khí ô tô là hướng đi chính xác để phát triển công nghiệp phụ trợ, phục vụ cho công nghiệp ô tô. Do đó, với việc điều chỉnh, quy hoạch Khu KTM Chu Lai hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, công nghiệp hóa dầu, dệt may, các loại hình công nghệ cao, đồng thời là một trong các đầu mối về GTVT. Trong đó, cần phát huy vai trò đầu tàu của Thaco trong việc mở rộng đầu tư phát triển. Cùng với đó là thực hiện tốt quy hoạch để đảm bảo khu kinh tế có khu công nghiệp công nghệ cao, xây dựng khu đô thị phức hợp đa dạng.

“Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, ban hành các chính sách liên quan đến phí. Thứ nhất, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Thứ hai, miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với các cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ. Thứ ba, áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện nay”, Thủ tướng yêu cầu.

Về dài hạn, cần có cơ chế thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các dự án quy mô lớn của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô quốc gia.

Thaco

Xe bus Thaco thương hiệu Việt - sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hoá trên 60%

Tăng nội địa hóa, ưu tiên sản phẩm mới

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO), từ những dấu chân đầu tiên, THACO đang hình hài quy mô bề thế cho tầm vóc nền sản xuất ô tô Việt. Từ năm 2003, THACO xây dựng nhà máy xe tải, buýt có công suất 25.000 xe/năm, diện tích 38ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng. Đây là nhà máy đầu tiên tại Khu KTM Chu Lai và là chu kỳ đầu tiên của Trường Hải tại đây. Từ năm 2010, với sự tin dùng của thị trường, THACO đã bước vào chu kỳ đầu tư lớn thứ hai tại Chu Lai. Đầu tư nhà máy xe buýt chuyên biệt với công suất 5.000 xe/năm. Nhà máy xe du lịch Mazda, công suất 10.000 xe/năm được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Mazda. Ngoài ra, THACO còn xây dựng tổ hợp cơ khí công suất 300.000 sản phẩm/năm; Cụm các nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô; Cảng Chu Lai...

Sự phát triển của THACO mang dấu ấn thành công nhờ giải quyết hai điểm nghẽn lớn của Quảng Nam, miền Trung là nhân lực và logistics. Trong đó, cảng Chu Lai có công suất 3 triệu tấn/ năm, cầu cảng dài 500m tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 20 nghìn tấn là cảng sông có quy mô lớn duy nhất tại miền Trung, mở các tuyến hàng hải quốc tế đến các cảng biển lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Báo cáo Thủ tướng, ông Dương nhấn mạnh: Từ năm 2015, THACO đã xây dựng chiến lược để hội nhập khu vực ASEAN, thay đổi công nghệ trên tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bước vào chu kỳ đầu tư lớn thứ ba tại Chu Lai, với định hướng mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô; Xây dựng mới và nâng cấp toàn bộ các nhà máy lắp ráp ô tô, tổ hợp cơ khí, các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng theo hướng tự động hóa, ứng dụng số hóa trong quản trị, nhằm đáp ứng sản xuất hàng loạt, nhưng theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng.

Theo Chủ tịch THACO, trong bối cảnh thuế suất ô tô nhập khẩu về 0%, nhiều doanh nghiệp ô tô chuyển sang kinh doanh xe nhập khẩu, THACO vẫn kiên định con đường đầu tư phát triển sản xuất lắp ráp trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, Trường Hải làm chủ công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các dòng xe như: Xe buýt trên 60%, xe tải từ 35% và xe du lịch bước đầu đạt 17%, góp phần phát triển sản xuất ô tô có quy mô, từng bước cạnh tranh được trong khu vực và quốc tế. Đáng kể, Chu Lai - Trường Hải đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô của các thương hiệu quốc tế như: Kia - Hàn Quốc, Mazda; Mitsubishi Fuso - Nhật Bản, Peugeot - Pháp và đang được xem là cứ điểm sản xuất ô tô lớn và hiện đại trong khu vực ASEAN với đầy đủ các chủng loại ô tô: tải, buýt và du lịch; đầy đủ các phân khúc trung cấp đến cao cấp theo thương hiệu, đã bán ra hơn 594 nghìn xe chiếm 38% thị phần trong nước và đã xuất khẩu linh kiện phụ tùng với giá trị gần 20 triệu USD.

Sau 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco có 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logistics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng và được chia thành 2 khu: Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải; khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai với hơn 8.000 lao động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.