Nữ CSGT Hà Nội giúp một người khiếm thị sang đường |
Nhằm nâng cao văn hoá ứng xử trong giao tiếp của lực lượng công an, nhất là lực lượng cảnh sát thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân như cảnh sát trật tự, CSGT, ngày 23/12, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử khi thực thi công vụ cho gần 5.200 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị trên toàn địa bàn thành phố.
Ứng xử đúng mực, dân sẽ “tâm phục, khẩu phục”
Thượng tá Đặng Ngọc Thảo, Phó trưởng Phòng công tác chính trị, Công an TP Hà Nội cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Công an và lãnh đạo Công an TP Hà Nội, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng hình ảnh lực lượng công an Thủ đô trong mắt người dân ngày càng thân thiện, gần gũi, nhất là đối với lực lượng công an thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các công việc quản lý nhà nước về an ninh trật tự, ATGT.
Chia sẻ kinh nghiệm ngay sau buổi tập huấn, Đại uý Ngụy Duy Phương, Đội phó Đội CSGT Trật tự, phản ứng nhanh Công an quận Thanh Xuân cho biết: “Qua buổi tập huấn, tôi đã hiểu thêm về tầm quan trọng trong văn hoá ứng xử của người cảnh sát khi thực thi nhiệm vụ, tiếp xúc với nhân dân. Quả thật, quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát, từ lời nói, hành vi dù nhỏ nhưng sẽ tạo hiệu ứng rất lớn, có thể tạo hình ảnh đẹp, ấn tượng tốt nhưng cũng có thể ngược lại”.
Theo Đại úy Phương, với đặc thù của lực lượng cảnh sát 113, anh thường xuyên phải tiếp xúc, đối mặt với các trường hợp vi phạm kích động, quấy rối, thậm chí chống đối. “Gặp những trường hợp như vậy, nếu chúng tôi nôn nóng sẽ hỏng việc ngay. Không chỉ xử lý khôn khéo, đảm bảo đúng tác phong, phán đoán và nhận biết tình huống, người cảnh sát còn phải vận dụng những kỹ năng, kiến thức để giao tiếp, ứng xử phù hợp. Nếu cảnh sát giao tiếp, ứng xử đúng mực, tôi nghĩ người vi phạm sẽ luôn tâm phục, khẩu phục”, Đại úy Phương chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tâm sự: “Mọi người vẫn thường nói lực lượng CSGT là “mặt tiền của các mặt tiền” trong lực lượng công an, do thường xuyên tiếp xúc với nhân dân. Lực lượng CSGT không chỉ làm nhiệm vụ phân luồng, chỉ huy giao thông, mà quá trình làm nhiệm vụ còn giúp đỡ nhân dân nhiều việc khác. Qua đợt tập huấn này, tôi nghĩ bản thân sẽ nâng cao hơn nữa về cách ứng xử, giao tiếp để có thể làm được nhiều việc tốt hơn nữa phục vụ nhân dân, tuyên truyền có hiệu quả hơn giúp người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định về TTATGT”, Trung tá Thành nói.
Tạo sự thiện cảm, gần gũi với nhân dân
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, những năm qua Công an thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để xây dựng hình ảnh người cán bộ chiến sĩ công an thân thiện, vì nhân dân phục vụ. Để nâng cao hơn nữa tinh thần phục vụ nhân dân, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp để mỗi cán bộ, chiến sĩ ngày càng nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tạo thiện cảm trong mắt người dân, từ đó giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật, trong đó có lĩnh vực TTATGT.
Đại tá Đào Thanh Hải cho biết thêm, thời gian vừa qua cũng có một số cán bộ, chiến sĩ mới ra trường nhận nhiệm vụ, nhất là các chiến sĩ cảnh sát trẻ chưa có kinh nghiệm, điều kiện để nâng cao trình độ, kỹ năng trong khi thực thi nhiệm vụ. Đợt tập huấn lần này cũng nhằm mục tiêu bổ túc, tăng cường thêm kỹ năng, kiến thức cho cán bộ chiến sĩ trẻ có đủ khả năng, bản lĩnh cũng như chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình giao tiếp với nhân dân một cách văn minh, lịch sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận