Xã hội

Xây dựng nông thôn mới còn nợ khoảng 8.600 tỷ đồng

26/05/2016, 07:35

5 năm qua, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

7

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp sáng 25/5

Sáng 25/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 48, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH-CN, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân

Báo cáo giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết, 5 năm qua, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng chỉ ra những tồn tại của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đó là số chi Ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp nhiều so với thực tế. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán, để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Theo báo cáo của Chính phủ, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố khoảng 8.600 tỷ đồng.

Hỗ trợ 800 triệu một bài báo đăng tạp chí quốc tế

Báo cáo đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày cho thấy, qua 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, một số chỉ tiêu quan trọng đề ra trong Chiến lược đã đạt được, cụ thể như: Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011- 2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%; Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị cơ bản đạt mục tiêu chiến lược đề ra, đạt 10,68%/năm.

Trong chương trình làm việc chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tuy nhiên, các cơ quan thông tấn, báo chí không được tham dự và đưa tin. Phát biểu bế mạc phiên họp 48, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo sơ bộ về kết quả bầu cử, báo cáo sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đầy đủ, trình Hội đồng Bầu cử Quốc gia và báo cáo Thường vụ Quốc hội trước khi phiên họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV diễn ra.

Tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015 gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm; Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng Ngân sách Nhà nước tăng 15-20%/năm.

Sau khi nghe những con số từ báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thẳng thắn đặt vấn đề: “Gần đây dư luận xôn xao về đào tạo tiến sĩ. Vì liên quan đến ngân sách nên đề nghị cho biết đã dùng bao nhiêu tiền vào đây để có số bài báo, công trình được công bố quốc tế? Với Viện Hàn lâm thì trong thời gian giám sát công bố được bao nhiêu và chi bao nhiêu tiền?”.

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, thời gian vừa qua, số đăng ký công bố tăng và nguồn tăng đáng kể là qua sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển KHCN quốc gia, hàng năm tăng 30%.

“Quỹ Phát triển KH&CN cơ bản tài trợ cho nghiên cứu cơ bản như toán, lý, hoá... Cái này Việt Nam rất mạnh, công bố tăng lên rất nhiều. Hàng năm quỹ được cấp 300 tỷ để hỗ trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trung bình một bài báo được công bố trên tạp chí uy tín là 800 triệu/bài. Còn của Viện Hàn lâm như thế nào sẽ có báo cáo sau”, ông Khánh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.