Xe đạp chia sẻ bị chất thành đống cao khoảng 3m như đống sắt vụn. |
Hòa chung xu hướng trên thế giới, Trung Quốc cũng nở rộ phát triển thị trường chia sẻ xe đạp qua ứng dụng điện thoại. Tuy nhiên, ý thức và thái độ sử dụng xe đạp của người dân yếu kém đã gây tổn thất không nhỏ cho các hãng cho thuê xe cũng như giao thông công cộng nói chung.
Dùng đâu vứt đấy
Hãng thông tấn AFP (Pháp) vừa đăng một bức ảnh khiến thế giới tròn mắt ngạc nhiên - khoảng 500 xe đạp của nhiều công ty chia sẻ xe đạp Trung Quốc chất cao như đống sắt vụn cao khoảng 3m trên đường tại TP Thẩm Quyến. Đây không phải là cảnh tượng hiếm hoi mà rải rác nhiều nơi tại Thẩm Quyến nói riêng và không ít thành phố khác của Trung Quốc. Không ít trường hợp, những chiếc xe đạp chia sẻ còn bị treo trên cây, vứt xuống sông…
Đó là những chiếc xe đạp được dùng để cho thuê qua ứng dụng điện thoại, giúp người dân di chuyển trong quãng đường ngắn một cách thuận tiện hơn và thân thiện với môi trường. Thị trường chia sẻ xe đạp đang nở rộ tại Trung Quốc trong bối cảnh nước này đối mặt tình trạng ô nhiễm, khói bụi nặng nề và hạn chế phương tiện cá nhân. Báo cáo về ngành chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc của công ty nghiên cứu về nền tảng công nghệ tại Trung Quốc China Channel cho thấy, hai hãng chia sẻ xe đạp hàng đầu của Trung Quốc là Mobike và Ofo. Mới chỉ thành lập từ tháng 1/2015, Mobike đã bùng nổ với 400 nghìn lượt tải ứng dụng chia sẻ xe đạp của công ty này, hầu hết ở Thượng Hải. Đối thủ nặng ký còn lại là Ofo có 170 nghìn lượt tải ứng dụng.
Xem thêm video:
Nhưng sự thiếu ý thức và trách nhiệm trong sử dụng phương tiện công cộng khiến các công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp tổn thất không nhỏ. Theo người dân địa phương, sở dĩ xe đạp chất đống do người sử dụng vô ý thức vứt bừa hoặc do các nhân viên bảo vệ chất lên để dọn những chiếc xe đạp vứt bừa bãi lấy đường đi cho người dân. Một người dân địa phương sống gần “đống sắt vụn” xe đạp kể trên chia sẻ: “Rất nhiều người thiếu ý thức. Họ dùng xe đạp xong thì quăng luôn bên đường vì họ đã trả tiền lượt đi rồi”. Một cảnh sát giao thông tại Thượng Hải cho biết, nhiều người dân đến ga tàu điện ngầm không tìm thấy nơi để đỗ xe, họ vứt luôn trước cửa ra vào”.
Để xảy ra tình trạng trên một phần vì ý thức người dân, phần khác vì quy định quản lý phương tiện này của công ty cho thuê cũng như của cơ quan quản lý không rõ ràng và hạ tầng đô thị thiếu khu vực đỗ xe. Khác với những nơi khác, người sử dụng xe đạp chia sẻ không phải đỗ xe đúng nơi quy định và khóa xe. Gặp xe đạp vứt bừa bãi, cảnh sát địa phương có thể chất xe vào một góc hoặc tịch thu.
Cần có biện pháp khẩn
Trước tình cảnh trên, đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh Thâm Quyến, ông Zhuang Chuangyu kêu gọi thành phố tăng cường quy định quản lý thị trường chia sẻ xe đạp nhằm cải thiện điều kiện giao thông, các tiêu chuẩn an toàn.
Cơ quan Cảnh sát giao thông tại Thượng Hải cho biết, họ đã liên lạc với một số công ty chia sẻ xe đạp, yêu cầu phạt người sử dụng, đặc biệt những người đỗ xe đạp gần tàu điện ngầm. Hiện nay, Ofo khuyến khích người dân chia sẻ xe đạp của chính mình đổi lại cho phép họ sử dụng xe đạp chia sẻ của hãng miễn phí trọn đời nhằm tăng cường trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ phương tiện. Còn hãng Mobike đề nghị thưởng cho người sử dụng có ý thức giữ gìn xe đạp.
Ủy viên Thành ủy Thượng Hải Jiang Xiaoqing đề nghị xây dựng chế tài xử phạt người đỗ xe đạp bất hợp pháp. “Mọi người sử dụng xe đạp chia sẻ đều phải tuân thủ quy định giao thông”, bà Jiang chia sẻ.
Về lâu dài, chính quyền Trung Quốc cần cải thiện hạ tầng thân thiện với xe đạp, như đường dành riêng xe đạp, nơi đỗ xe... để tạo điều kiện cho người sử dụng phương tiện thân thiện môi trường.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận