Xe đạp còn nguyên nilon chưa bóc ở phường Hưng Dũng, TP Vinh |
Được kỳ vọng sẽ mang lại hình ảnh gần gũi, thân thiện với người dân nhưng thực tế, những chiếc xe đạp tuần tra của cảnh sát trật tự (CSTT) nhiều địa phương bị xếp xó, nằm phủ bụi. Việc cảnh sát tuần tra bằng xe đạp giúp giảm chi phí, đi lại gọn nhẹ, tăng tần suất tuần tra tại khu vực ngõ nhỏ, phố nhỏ trên địa bàn. Thế nhưng không phải ở địa phương nào việc này cũng thực hiện hiệu quả.
Nghệ An: Xe còn nguyên tem, chưa bóc nilon
Tại Nghệ An, ngày 15/12/2015, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tiến hành bàn giao 200 chiếc xe đạp, trị giá 546 triệu đồng cho Công an tỉnh để phục vụ công tác tuần tra. Tuy nhiên, sau 3 tháng tiếp nhận, nhiều phường ở TP Vinh vẫn chưa sử dụng hiệu quả loại phương tiện này.
Điển hình như tại phường Hưng Dũng, 8 chiếc xe đạp tuần tra của phường này được xếp gọn lỏn ở chân cầu thang trụ sở. Trong số đó có một số xe chưa bóc nilon bao bọc ở khung, ghế ngồi phía sau, chứng tỏ chúng chưa từng được sử dụng. Tương tự, tại công an phường Trung Đô, có 9 chiếc xe đạp tuần tra cũng bị “xếp xó”. Trên yên xe, khung xe phủ một lớp bụi dày trắng xóa. Trong đó, nhiều xe chưa bóc nilon bao bọc, có xe còn nguyên tem của công ty sản xuất xe đạp.
Trung tá Nguyễn Thế Bảy, Phó trưởng công an phường thừa nhận: “Mặc dù được bàn giao xe từ cách đây vài tháng nhưng thực tế xe đạp tuần tra rất ít khi được sử dụng đến vì anh em tuần tra xử lý vi phạm, về địa bàn các khối chủ yếu đi bằng xe máy. Do địa bàn rộng nên việc tuần tra bằng xe đạp không thực sự mang lại hiệu quả”.
Thượng tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ an cho biết: “Tới đây sẽ yêu cầu 2 đơn vị đã được cấp phát xe đạp tuần tra là Công an TP Vinh và Công an TX Cửa Lò báo cáo và đánh giá hiệu quả và công suất sử dụng. Từ đó, Công an tỉnh sẽ có phương án phân bổ phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của từng địa phương”.
Thanh Hóa: Xe xếp “trong kho”
Xe đạp cất trong kho ở Thanh Hóa |
Tháng 6/2014, Công an phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa đã đề xuất và đưa mô hình “Cảnh sát khu vực đi công tác địa bàn bằng xe đạp” vào thực tiễn nhằm xây dựng hình ảnh người cảnh sát thân thiện với nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, sau gần 2 năm “thí điểm”, những chiếc xe đạp gần như bị lãng quên vì nhiều lý do khác nhau. Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Công an phường Nam Ngạn cho biết, Công an phường được một công ty truyền thông đóng trên địa bàn tài trợ 10 chiếc xe đạp, mỗi chiếc có giá khoảng 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau một thời gian mô hình đi vào hoạt động, có những xe vẫn sử dụng và có những xe để trong kho. “Ngay từ khi lập kế hoạch, chúng tôi cũng đã xác định những khó khăn, đó là thói quen của cán bộ đang đi xe máy giờ chuyển xe đạp, việc cấp bách như truy bắt tội phạm mà dùng xe đạp thì cực kỳ khó. Song, đây chỉ mới là phong trào vận động của phường chứ không phải là quy định bắt buộc như một số tỉnh thành khác”, Đại úy Kiên nói và cho biết, hiện tại có 6 xe đạp đang cất ở trong kho, còn lại 4 chiếc vẫn đang được cán bộ thường xuyên sử dụng.
Cần Thơ: Cảnh sát chăm đạp xe, dân ủng hộ
Thời gian vừa qua, Công an TP Cần Thơ được tài trợ 400 xe đạp cho lực lượng cảnh sát khu vực phục vụ công tác tuần tra, đi cơ sở. Trong đó, riêng quận Ninh Kiều đã được cấp gần 100 xe đạp. Số xe đạp này được sử dụng thường xuyên và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Đại tá Trần Văn Sáu, Trưởng Công an quận Ninh Kiều cho biết: “Sau khi nhận xe đạp về, chúng tôi giao cho các đồng chí Trưởng công an phường, Đội trưởng Đội CSTT của quận chỉ đạo anh em CSKV, trật tự quận khi đi kiểm tra các chợ hoặc xuống địa bàn làm việc với dân phải đi bằng xe đạp. Do đó, số xe đạp được cấp về được anh em sử dụng rất thường xuyên”.
Để kiểm chứng thông tin Đại tá Sáu cung cấp, trưa 16/3, PV Báo Giao thông đã bất ngờ đến Công an phường Cái Khế. Dù đã gần hết giờ làm việc buổi trưa nhưng Đại úy Lâm Trần Anh Thuấn, Trưởng Công an phường vẫn có mặt tại đây.
Trao đổi nhanh với Báo Giao thông, Đại úy Thuấn cho biết, Công an phường Cái Khế được cấp 11 xe đạp cho 11 khu vực. Các xe đạp này được lực lượng cảnh sát khu vực sử dụng thường xuyên, hàng ngày. Nói rồi, Đại úy Thuấn sử dụng xe mô tô đưa phóng viên đến khu vực 4, phường Cái Khế. Trên đường, chúng tôi gặp Trung úy Lê Hoàng Khiêm, cảnh sát khu vực đang đi xe đạp đến làm việc tại nhà ông Nguyễn Hoài Nam tại số 70/19 đường Cách Mạng Tháng Tám. Ông Nam cho biết: “Tôi thấy anh em CSKV ở đây thường xuyên đi làm bằng xe đạp.
Việc anh em CSKV đi xuống cơ sở bằng xe đạp rất được người dân đồng tình, ủng hộ vì người dân thấy gần gũi, thân thiện và yên tâm hơn”. Đồng Tháp: Mô hình được nhân rộngĐó là khẳng định của Đại tá Trần Văn Đoàn, Trưởng Công an TP Cao Lãnh, Đồng Tháp. Được thí điểm vào tháng 4/2015 tại Công an phường 4, đến nay, mô hình này đã được nhân rộng và duy trì đều đặn tại 15 xã, phường trên địa bàn với 91 chiếc xe. “Việc tuần tra bằng xe đạp đã góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí công vụ, nâng cao khả năng rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ và tạo sự thân thiện với người dân”, Đại tá Đoàn đánh giá.
Trung tá Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Công an phường 4 cho biết: “Hàng ngày, họp giao ban xong, tùy theo lịch công tác, sáng hoặc chiều anh em đều đạp xe xuống địa bàn phụ trách thăm hỏi người dân và nắm tình hình cụ thể. Những ngày không có lịch họp, trưởng và phó Công an phường đều đạp xe xuống địa bàn”.
Tại Hà Nội, việc thí điểm sử dụng xe đạp tuần tra được triển khai thực hiện từ giữa tháng 8/2015. Tính đến cuối năm 2015, Công an Hà Nội đã cấp hơn 1.000 xe đạp tuần tra cho các phường thuộc 12 quận có địa bàn phức tạp về trật tự ATGT. Qua khảo sát của PV, đa số đều thực hiện tốt chủ trương, tạo sự gần gũi với người dân. Tuy nhiên, vẫn còn có nơi chưa thực hiện nghiêm túc như một số phường thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Đông. Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: “Công an thành phố vẫn thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình. Nhìn chung, công an các phường vẫn thường xuyên dùng xe đạp để đi tuần tra, chỉ khi thực hiện những nhiệm vụ đột xuất mới sử dụng phương tiện khác. Có thể lúc đó người dân thấy cảnh sát đi trên xe ô tô nên nghĩ họ không sử dụng xe đạp nữa”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận