Cảnh phim “Lôi Báo” |
Kịch bản chất lượng
Bộ phim Lôi Báo có kịch bản tương đối tham vọng. Nhân vật chính Tâm (Cường Seven) là một họa sĩ trẻ đang hạnh phúc bên vợ đẹp, con khôn (Nhã Phương và Simba A Pù thủ vai). Bỗng ngày nọ, Tâm phát hiện mình bị ung thư. Y học thông thường bó tay, anh cầu sinh bằng phương pháp kỳ dị ghép đầu người. Sở hữu thân thể mới, Tâm có quà tặng kèm là các siêu năng lực. Song, ký ức của thân thể đó - một sát thủ tên Nghĩa (Vũ Tuấn Việt) - ám ảnh ngược Tâm, đem theo những ân oán giang hồ đen tối bủa vây anh và gia đình.
Theo đó, nội dung phim thể hiện sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của đội ngũ biên kịch: Không sa đà vào hài giải trí như Siêu nhân X của Nguyễn Quang Dũng cách đây 2 năm. Lôi Báo còn cho cảm giác một sản phẩm tâm lý học có vỏ ngoài hành động kịch tính, với các nhân vật nội tâm đa chiều và những câu thoại mang tính triết lý. Quan trọng nhất là sự chặt chẽ trong cách dẫn phim của đạo diễn. Một phần ba thời lượng đầu tiên duy trì nhịp độ đều đều, áp dụng công thức tạo ra các siêu anh hùng Mỹ. Phần tiếp theo bắt đầu lắt léo, với những cú bẻ lái nội dung ngọt ngào. Phần cuối là chuỗi hành động nghẹt thở, kịch tính. Một tổng thể hài hòa, đậm chất Victor Vũ.
Dù vậy, phim vẫn để lọt vài kẽ hở đáng tiếc, cụ thể là sự vay mượn quá đà. Một khán giả sành sỏi sẽ chỉ mất vài phút để nhận ra những yếu tố Hollywood xuất hiện trong Lôi Báo. Quá trình Tâm mắc bệnh và hồi sinh giống hệt nhân vật Deadpool trong phim cùng tên ra mắt năm 2016. Các thông điệp “Ai cũng có thể làm siêu anh hùng”, “Thế nào là siêu anh hùng vĩ đại” bước ra từ loạt phim The Dark Knight của đạo diễn Christopher Nolan. Kiểu nhân vật đi tìm ký ức với mớ bòng bong kỹ năng sát thủ gợi nhớ tới Jason Bourne... Vay mượn nhiều tới mức có những chi tiết tạo ra phản ứng dội ngược. Điển hình như chiếc mặt nạ Lôi Báo trong phim là hoàn toàn vô nghĩa, ngoại trừ việc ăn theo bộ phim Black Panther sắp ra mắt năm 2018.
Diễn xuất tròn trịa
Cường Seven là một lựa chọn thú vị của Victor Vũ - một canh bạc. Cái được ở đây là ngoại hình và chất lượng hành động. Vẻ ngoài ưa nhìn của Cường phù hợp với vai Tâm, cũng như đủ phong trần bụi bặm cho nhân cách sát thủ Nghĩa. Nhiều năm rèn luyện vũ đạo cho anh nền tảng vận động tốt, thành quả là chuỗi động tác võ thuật dứt khoát, đẹp mắt và có uy lực - ra dáng hơn nhiều so với một số đồng nghiệp tay ngang đương thời như Issac 365 (Tấm Cám: Chuyện chưa kể) hay Vĩnh Thuỵ (Truy sát). Cái mất ở đây là chiều sâu diễn xuất. Khi vào vai Tâm, sở hữu tới 2 nhân cách cùng vô số cảnh nội tâm phức tạp, Cường Seven hụt hơi. Một ví dụ điển hình trong Jason Bourne: Nhân vật có trí nhớ chập chờn tiếp xúc với vũ khí lần đầu tiên, vẻ mặt anh ta ánh lên sự ngỡ ngàng, sợ hãi và thậm chí là thích thú. Cũng hoàn cảnh ấy, Cường Seven chỉ lặng lẽ thử súng bằng vẻ mặt vô hồn, thản nhiên tới bất hợp lý.
Các màn trình diễn còn lại của phim đều ở mức tròn vai. Nhã Phương có vai trò không khác nhiều những nữ chính trước đó. Phim xác nhận một thực tế, để diễn những cô nàng hay khóc, bánh bèo nhưng sở hữu nội tâm mạnh mẽ, có lẽ không ai qua được nữ diễn viên 27 tuổi này. Dàn phản diện tương đối đầy đặn. NSƯT Chánh Tín xài lại nhiều mảng miếng quen thuộc, như cách nhíu mày và gườm giọng khi kể chuyện cũ (vốn đã rất quen trong Dòng máu anh hùng, Suối oan hồn, Chết lúc nửa đêm). Quách Ngọc Ngoan thể hiện đủ tốt một vai phản diện kiểu mẫu: Quyến rũ nhưng nguy hiểm chết người. Chỉ có Vũ Ngọc Anh vẫn tiếp tục lạc lõng trong cuộc chơi điện ảnh, với đài từ diễn thoại dưới mức trung bình.
Hành động mãn nhãn
Sau cùng, Lôi Báo vẫn đáp ứng được yêu cầu tối thiểu nhắm tới ban đầu: Hành động mỹ mãn. Victor Vũ dường như đã huy động hết các nguồn lực tốt nhất cho phim. Nói gọn là 30 tỷ đồng kinh phí, dạng “khủng long” trong làng điện ảnh Việt hiện nay. Còn chi tiết hơn là đội ngũ dàn dựng, từ tay máy vàng Nguyễn K’Linh (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Scandal: Bí mật thảm đỏ) cho tới đạo diễn hành động Vincent Wang (Doctor Strange, Now You See Mee 2...) đến từ Hollywood.
Kết quả, Lôi Báo có sự vượt thoát so với các sản phẩm hành động trước đó. Chiêu thức được nâng cấp, không còn các pha Bandea kiểu Taekwondo, vật khóa kiểu Pencak Silas cũ kỹ mà Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn đã diễn đến nhàm thời Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng. Lôi Báo gợi nhớ nhiều tới John Wick và Jason Bourne, giao tranh bằng võ tổng hợp theo tôn chỉ Nhanh - Chuẩn - Độc. Bổ sung vào đó là những cú bấm máy dài, hiệu ứng slow motion (dù có phần bị lạm dụng cuối phim) tạo ra cảm giác chuyên nghiệp ít gặp ở điện ảnh Việt Nam. Thời lượng dù có phần ít so với tổng thể, nhưng đủ thỏa mãn về mặt thị giác của phần đông khán giả.
Xét cho cùng, Lôi Báo không hoàn hảo, với ưu và nhược điểm đan xen theo tỉ lệ chênh lệch không nhiều. Song vì thế, phim trở thành sản phẩm xác định khoảng cách giữa điện ảnh Việt và giấc mơ phim siêu anh hùng. Vẫn còn xa, nhưng không phải tới mức không thể chạm tay vào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận