Hàng nghìn người chen chúc để vào mua vé tại sân Mỹ Đình |
Có hàng chục lối xếp hàng bằng inox liền kề trên vỉa hè. Người từ nhà ga đi ra tự đứng vào một lối xếp hàng. Thế nhưng, khi họ lên đến đầu hàng thì lại không còn hàng nữa. Vừa thoát khỏi những thanh inox trắng, những người đầu hàng chen chúc nhau, trở thành một đám hỗn loạn, tranh giành taxi.
Các xe taxi cũng không dừng ở vị trí cố định, theo thứ tự, mà dừng ở bất kỳ đâu có người vẫy xe.
Người ta xếp hàng để rồi lại chen nhau, mấy lối xếp hàng inox thành ra thừa.
Chuyện này cho thấy nhiều người chưa có văn hoá xếp hàng. Còn những người chịu trách nhiệm về trật tự, văn hoá ở đây thì lại chưa biết cách đưa mọi thứ vào trật tự như thường thấy ở các sân bay nước ngoài.
Khi tôi học ở Liên xô (cũ), người ta hay đùa bằng việc sửa câu thông báo trên tàu điện ngầm thành: “Hành khách lưu ý, cửa tàu đang đóng lại. Ga tiếp theo là cuối hàng”.
Tức là người ta xếp hàng dài đến nỗi, đầu hàng ở ga tàu điện ngầm này, cuối hàng ở tận ga sau.
Nhưng quả thật người Nga xếp hàng rất trật tự. Họ xếp hàng một, kể cả vợ chồng đi cùng thì cũng người trước, người sau không chiếm lối đi của người khác. Không riêng gì người Nga, mà người châu Âu đều xếp hàng rất trật tự. Không riêng gì người châu Âu, mà người châu Mỹ cũng xếp hàng như vậy. Không riêng gì người châu Âu, châu Mỹ, mà người châu Úc và hầu hết người châu Á cũng xếp hàng rất trật tự.
Người Việt Nam cũng xếp hàng rất trật tự khi chúng ta ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, hoặc ở các nước châu Á văn minh khác.
Còn khi người Việt Nam ở Việt Nam, chúng ta cứ phải chen nhau! Có thể nói, chen lấn, xô đẩy, thậm chí đến mức trèo lên đầu nhau, là một hiện tượng rất phổ biến, kể cả ở những nơi tâm linh như đền, chùa.
Chen lấn, xô đẩy thể hiện văn hoá cướp giật.
Người ta cướp cái có thể đến tay người khác trước, sợ nó không đến tay mình. Người ta cướp thời gian của người khác. Người ta cướp cả sự thoải mái tinh thần và sức khoẻ của người khác, kể cả của người già, trẻ em.
Nhưng người ta không hề nghĩ thế. Đó là điều đáng sợ, khi người ra làm những việc xấu xa, mang tính cướp giật, mà không hề nghĩ như thế là xấu xa. Khi không nghĩ thì người ta không sửa. Thậm chí người ta còn hả hê với kết quả của cuộc chen lấn, xô đẩy, bất chấp tính công bằng mà việc xếp hàng lấy làm mục đích của nó.
Người ta hay phàn nàn về những thứ mà người ta coi là “bất công bằng” trong cuộc sống và công việc. Nhưng thường một người chỉ nhìn thấy sự bất công bằng khi mình là nạn nhân, ít khi thấy sự bất công bằng khi mình được lợi.
Nếu ý thức về sự công bằng không sâu sắc, trở thành bản năng gốc, phản xạ tự nhiên trong những việc tưởng là nhỏ như xếp hàng, không thể tạo nên được một con người công bằng.
Những người không có văn hoá xếp hàng là những người thường thể hiện sự giành giật trong muôn vàn công việc và tình huống của cuộc sống. Đó là những người mà Fukuzawa, tác giả của sách “Khuyến học” đã mô tả“... thường đã ngu dốt lại hay tham vọng, tìm mọi cách lừa đảo, luồn lách pháp luật, không cần hiểu ý nghĩa của luật pháp... Bản thân họ được pháp luật bảo vệ, nhưng hễ cứ thấy bất lợi cho mình thì họ lại thản nhiên vi phạm, ngang nhiên phá luật...”.
Thế nên, chuyện xếp hàng không phải là chuyện nhỏ. Nó là một chuyện rất lớn của nước ta. Nếu không sửa được, đất nước khó phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận