Các bị cáo tại phiên tòa sơ phẩm. |
Tổng cộng có 19 bị cáo bị truy tố tại phiên tòa. Trong đó, Vũ Văn Tam (SN 1968, trú huyện Đông Giang, Quảng Nam) bị truy tố 2 tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” và “Đưa hối lộ”.
Các bị cáo Đỗ Văn Lưu (SN 1967), Đỗ Văn Quý (SN 1979), Nguyễn Văn Vụ (SN 1982), Đinh Văn Thuấn (SN 1981), Phạm Văn Chính (SN 1976), Vũ Văn Pháp (SN 1981), Nguyễn Văn Học (SN 1971, đều cùng quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Phạm Đinh Lợi (SN 1965, trú huyện Hòa Vang), Kiều Ngọc Trung (SN 1980, trú huyện Đông Giang), Kiều Ngọc Quý (SN 1955, trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), Sầm Tố Binh (SN 1988, trú huyện Đông Giang) cùng bị truy tố tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
Ngoài ra, các bị cáo Phạm Phú Cường (nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông), Hồ Tấn Hai, Thủy Ngọc Trọng (cả 2 nguyên là Trạm phó Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông), Nguyễn Văn Ấn, Lý Thanh Tùng (nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông), Nguyễn Văn Nhung và Đinh Ngọc Bản (cùng là kiểm lâm viên tại Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông) cùng bị truy tố tội “Nhận hối lộ”.
Theo cáo trạng, năm 1991, Vũ Văn Tam bắt đầu hành nghề khai thác vàng trái phép rồi chuyển qua trồng rừng tại huyện Đông Giang. Tại đây, biết rừng Cà Nhông (do BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa quản lý) có nhiều gỗ, Tam nảy sinh ý định thuê người vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Tam liên hệ với Lưu và Quý do quen biết từ trước, rồi nhờ thuê thêm Vụ, Thuấn, Chính, Pháp, Học chặt 104 cây gỗ kiền kiền, khối lượng hơn 100m3. Có gỗ, Tam bán lại cho Lợi với giá 550.000 đồng/thanh. Thỏa thuận xong, Lợi thuê Trung, Quý, Bình vận chuyển gỗ ra cho mình.
Để việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi rừng Cà Nhông được trót lọt, Tam đã gặp Phạm Phú Cường, lúc đó là Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông để đưa hối lộ. Theo đó, mỗi xe gỗ đưa ra khỏi rừng, Tam trích 5 triệu đồng cho trạm quản lý và kiểm lâm. Vụ việc được Cường thông báo lại với cả trạm nhưng tất cả đều đồng ý.
Từ tháng 10/2013 – 4/2014, tổng số tiền mà Tam đưa cho các cán bộ trạm kiểm lâm để “làm luật” là hơn 30 triệu đồng. Số tiền này được các cán bộ kiểm lâm chia nhau tiêu xài.
Đây là vụ phá rừng lớn nhất Đà Nẵng từ trước đến nay, liên quan đến nhiều cán bộ kiểm lâm. Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận