Sau khi Báo Giao thông đăng bài viết “Bắt quả tang xi măng Hoàng Mai giả danh Long Sơn xuất khẩu”, lãnh đạo TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã chỉ đạo và giao Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cung cấp thông tin chi tiết cho báo.
Ngày 14/3, làm việc với Báo Giao thông, ông Lê Quý Thạch, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cho biết, sau khi phát hiện sự việc, công ty đã tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ có liên quan để phục vụ điều tra, trong đó có Trưởng bộ phận Giao nhận hàng, cán bộ trực tiếp làm công tác giao nhận hàng, cán bộ phụ trách đơn hàng. Qua báo cáo của các cá nhân liên quan, bước đầu công ty nhận định lỗi nằm ở khâu giao nhận sản phẩm, đóng bao và là lỗi vô ý.
Về quá trình cung ứng xi măng cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và dịch vụ Viết Nam (Công ty Viết Nam), ông Thạch cho biết, hơn 1 năm qua, Xi măng Hoàng Mai đã bán nhiều lô hàng cho Công ty Viết Nam thực hiện xuất khẩu. Các lô hàng khi xuất khỏi nhà máy đều có kèm theo phiếu xuất kho, hóa đơn VAT, chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Trong hợp đồng cũng có điều khoản ghi rõ: Công ty Viết Nam chịu trách nhiệm về mẫu mã, thiết kế vỏ bao, logo, tiến độ cung cấp vỏ bao cho Xi măng Hoàng Mai và các thông tin trên vỏ bao. Hoàng Mai chỉ bán xi măng rời và thực hiện đóng bao theo 5 nhãn hiệu đã đăng ký là: EMPRESS, HERCULES, CORONA, BARKO và ALPHA. Đồng thời, lãnh đạo công ty ủy quyền cho xí nghiệp tiêu thụ thực hiện hợp đồng theo các đơn đặt hàng của Viết Nam.
Để làm sáng tỏ nội dung này, nhiều lần PV liên hệ với Công ty Viết Nam qua các số điện thoại Hải quan, Công an cung cấp, tuy nhiên lãnh đạo đơn vị này thẳng thừng từ chối làm việc.
Về lý do xi măng Hoàng Mai “đóng nhầm” vỏ bao xi măng Long Sơn, ông Thạch giải thích: Lô 21.000 tấn xi măng vừa rồi cũng chỉ là một trong số các đơn hàng công ty thực hiện theo hợp đồng, vỏ bao do Công ty Viết Nam cung cấp. Khi giải trình về vụ việc, các phòng ban chuyên môn thừa nhận có sai sót trong việc kiểm tra, kiểm soát vỏ bao, nhưng đây là “hành vi vô ý”. “Vì áp lực đơn hàng dịp cuối năm, cộng với hợp đồng có điều khoản về vỏ bao nên anh em đóng bao, bốc xếp không kiểm soát. Thời điểm đó, lãnh đạo nhà máy cũng đang đi công tác cả nên không kịp thời phát hiện”, ông Thạch nói.
Ông Thạch cũng khẳng định: “Xi măng Hoàng Mai không được lợi gì từ việc này. Giá bán lô xi măng 21.000 tấn là đồng giá với 5 nhãn hiệu Xi măng Hoàng Mai đang bán, cung ứng cho Công ty Viết Nam. Giá này cao hơn giá bán trên thị trường của xi măng Long Sơn khoảng 200.000 đồng/tấn. Sự việc xảy ra đã khiến thương hiệu của Vicem Hoàng Mai bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xi măng Hoàng Mai cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc. Nếu là vô ý thì công ty sẽ xem xét xử lý các cá nhân liên quan. Nếu là cố ý thì mong xử lý nghiêm minh vì rất có thể đây là hành vi cố tình triệt hạ đối thủ của ai đó”.
Theo tìm hiểu của PV, việc sản xuất, đóng bao, cung ứng sản phẩm tại các nhà máy xi măng được thực hiện rất nghiêm ngặt, qua nhiều khâu, nhiều bước. Vì vậy, khả năng để một cá nhân hoặc đơn vị ngoài cố tình “chơi bẩn” là rất khó. “Khách hàng khi có nhu cầu sẽ liên hệ đặt đơn hàng. Với loại vỏ bao do khách hàng cung cấp, khách hàng phải gửi mẫu maket cho phía nhà máy. Maket này được thể hiện rõ trong hợp đồng. Quá trình thực hiện, Phòng Vật tư sẽ tiếp nhận vỏ bao và chịu trách nhiệm đối chiếu với maket mẫu mã vỏ bao trong hợp đồng, sau đó giao cho bộ phận đóng hàng, rồi mới xuất hàng”, một lãnh đạo Nhà máy Xi măng Vicem thông tin.
Có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Theo luật sư Trần Đại Xuân (Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa), căn cứ nội dung Báo Giao thông phản ánh, hành vi của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại Viết Nam có thể bị khép vào tội buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192, Bộ luật Hình sự. Nhưng khi khép vào tội phạm này cần phải xác định thế nào là hàng giả. Việc này, phải căn cứ vào Nghị định 185/2015; Nghị định 124/2015 và Luật Sở hữu trí tuệ, hàng giả”.
Theo đó, hàng giả là hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số lưu hành đã đăng ký, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác...
Trước đó, lực lượng chức năng đã phát giác hành vi giả mạo nhãn mác hàng hóa đối với lô 21.000 tấn xi măng do Công ty Viết Nam mua, cung ứng theo dạng hàng xuất khẩu đi Philippines. Số xi măng này do Nhà máy Xi măng Hoàng Mai sản xuất nhưng lại đóng gói, in nhãn hiệu ZEBRA của xi măng Long Sơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận