Chuyện dọc đường

Xin đừng đổ lỗi ông trời!

28/11/2018, 10:12

TP.HCM hiện nay chưa thật sự có quy hoạch, chiến lược chống ngập, mà chỉ mới dừng lại ở những dự án chống ngập.

121035-bao-giao-thong-15

TP.HCM vẫn ngập trong "biển nước" sau cơn mưa lịch sử tối 25/11

Trận mưa từ tối 25/11 đến nay trên địa bàn TP HCM khiến 3 người tử vong, hàng chục cây cối, cột điện bị gãy đổ... Tuy nhiên, những thiệt hại cho người dân như xe bị chết máy giữa đường, nước ngập vào nhà, ô nhiễm môi trường… khó thống kê hết.

Cứ mỗi lần xảy ra mưa lớn, gây ngập trên diện rộng ở TP HCM, cơ quan chức năng lại công bố số liệu đo được về vũ lượng mưa. Và bao giờ cụm từ quen thuộc được đưa ra là “mưa kỷ lục”. Lần này, lượng mưa đo được tại Tân Bình đạt tới 407,6mm, tại khu vực trung tâm TP là 301mm, tại Nhà Bè đạt 345mm và huyện Cần Giờ đạt 293mm.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đây là lượng mưa lớn nhất về thời gian và lưu lượng ở TP HCM từ trước đến nay, vượt cả lượng mưa lịch sử ngày 26/9/2016 (200mm). Cách lý giải này người dân dường như đã quá quen thuộc, thậm chí cho rằng, điều này thể hiện sự yếu kém của chính quyền khi đổ lỗi cho ông trời.

Đến nay, TP HCM đang triển khai nhiều dự án chống ngập thuộc 2 quy hoạch chính: Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020 và Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM. Tuy nhiên, khối lượng công việc mới chỉ thực hiện được 40%. Trong quy hoạch có 104 hồ điều tiết đến nay vẫn chưa làm được hồ nào. Ngay cả dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang được triển khai nhưng chỉ vì một số vướng mắc trong công tác nghiệm thu mà dự án đã dừng 7 tháng nay. Người dân gần như chai sạn với những giải thích của lãnh đạo thành phố mỗi khi bị ngập.

Hơn 10 năm qua, thành phố đã chi gần 30.000 tỷ đồng cho các dự án chống ngập và để triển khai hoàn thành hai đồ án quy hoạch trên, cần khoảng 96.000 tỷ đồng. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố hiện nay chưa thật sự có quy hoạch, chiến lược chống ngập, mà chỉ mới dừng lại ở mức những dự án chống ngập.

Một chiến lược chống ngập trước hết phải quy hoạch được tốt không gian dành cho nước và việc xây dựng, cải tạo hạ tầng phải được phối hợp tốt giữa các ngành theo một định hướng thống nhất. Lấy dẫn chứng về việc chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, dù đã thực hiện nhiều giải pháp, đặt “siêu máy bơm” nhưng đường này vẫn ngập.

Một ví dụ khác là khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng ở khu vực quận 7, trước đây là vùng thấp của thành phố. Nhưng nhờ quy hoạch tốt về không gian đô thị, cây xanh, hệ thống kênh rạch điều hòa nên không bị ngập dù mưa lớn. Trong khi đó đường Huỳnh Tấn Phát cách đó vài kilomet lại thành “rốn” ngập.

Theo ông Sơn, thành phố phải tổ chức lại không gian xanh và không gian nước cho các khu vực ngập, vừa ít tốn kém lại hiệu quả lâu dài. Chú ý việc cân đối độ bê tông hóa, độ dốc và độ nền của khu vực xung quanh; đồng thời phải làm những không gian chứa nước tạm thời như: Hồ điều tiết, hồ chứa nước ngầm, hệ thống thoát nước từ những hồ này ra sông, để đối phó với những trận mưa lớn. Có như vậy, vấn đề mới được giải quyết. Còn việc thấy ngập ở đâu thì lắp máy bơm ở đó sẽ lãng phí tiền tỷ mà không hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.