Tàu cánh ngầm đã chia sẻ gánh nặng chuyển tải hành khách rất hữu hiệu cho các phương tiện vận tải khác |
Theo Nghị định số 111/2014 của Chính phủ, đến ngày 31/12/2016, tất cả tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu và ngược lại phải ngừng hoạt động vì hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải tàu cánh ngầm đồng loạt có đơn xin gia hạn với lý do các phương tiện vẫn đảm bảo an toàn, trong khi chưa có tàu mới thay thế.
Đề nghị kéo dài đến năm 2020
Tính đến nay, đội tàu cao tốc cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đã chính thức hoạt động được hơn 20 năm kể từ khi Chi cục Đường sông phía Nam mở tuyến vào tháng 2/1996. Cao điểm, lượng khách tuyến tàu cao tốc này đạt khoảng 500 nghìn lượt khách/năm với 21 tàu. Trước thời hạn buộc phải ngừng vĩnh viễn hoạt động tàu cánh ngầm, đại diện các hãng tàu đều tỏ ra lo lắng và bày tỏ được tiếp tục gia hạn đến hết năm 2020.
Đại diện hãng tàu Petro Express cho biết: Sau gần một năm ngừng chạy, đến ngày 5/12/2014, Bộ GTVT đã có Công văn số 15534 về việc cho phép tàu cao tốc cánh ngầm hoạt động trở lại. Để đáp ứng được các điều kiện khắt khe về đảm bảo an toàn của các phương tiện mà Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm VN yêu cầu, các hãng tàu Petro Express và Vina Express đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp đội tàu. Thời gian qua, hoạt động của các tàu cánh ngầm được các cơ quan chức năng ở hai đầu bến quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đặc biệt là trước và trong hành trình. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hanh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quang Hưng (hãng tàu cánh ngầm Petro Express) cho biết, nếu cuối năm nay đình chỉ tàu cánh ngầm, việc đầu tư thay mới phương tiện là rất khó khăn. Hiện, một số hãng đóng tàu nước ngoài chỉ sản xuất các mẫu tàu nhỏ (không đảm bảo an toàn khi qua vịnh Gành Rái. Các loại tàu lớn phải có đơn đặt hàng đóng mới và mất nhiều năm để thẩm định.
“Việc thu hồi vốn mua sắm tàu mới phải mất khoảng 20 năm đối với các doanh nghiệp là không khả thi. Trong khi đó, phương tiện vẫn đáp ứng được chỉ tiêu an toàn của các cơ quan chức năng. Nếu ngưng hoạt động sẽ lãng phí rất lớn”, ông Hanh nói và cho biết, cuối năm 2013, sau sự cố của tàu Vina Express bị cháy, UBND TP.HCM đã ban hành Công văn số 308 tạm đình chỉ hoạt động với các đội tàu cao tốc cánh ngầm. Khi các tàu cánh ngầm nằm bờ, hàng trăm nghìn hành khách phải chuyển sang phương tiện đường bộ, nên đã xuất hiện nhiều xe khách chạy dù, mở bến cóc gây mất trật tự ATGT.
Còn theo ông Bùi Công Trùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tàu cao tốc Vina, hiện nay để mua một tàu cao tốc cánh ngầm của Nga (có sức chở 150 khách) giá khoảng 8 triệu USD nhưng khả năng thu hồi vốn rất thấp. Lượng khách đi tàu cao tốc cánh ngầm chỉ đạt khoảng 40% công suất, giảm mạnh so với lúc còn bến ở Công viên Bạch Đằng. Đội tàu cũng giảm mạnh từ 14 chiếc xuống còn bốn chiếc (cả hai Công ty Petro và Vina). Riêng hãng Greenlines đã ngừng hẳn hoạt động kể từ sau vụ cháy tàu cánh ngầm hồi tháng 1/2014.
Địa phương ủng hộ
Sau khi hai hãng tàu Vina Express và Petro Express gửi đơn kiến nghị, ngày 31/10, Sở GTVT TP HCM cũng có Văn bản số 15128 gửi Bộ GTVT về việc gia hạn hoạt động tàu cánh ngầm của hai hãng tàu nói trên. Nội dung văn bản nêu rõ: Về việc vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ TP.HCM đi Vũng Tàu, sở ủng hộ loại hình vận tải hành khách công cộng này vì đã góp phần tích cực giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ, rút ngắn đáng kể thời gian đi lại của người dân trong khu vực, góp phần phát triển du lịch sông nước…
Để giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp, Sở GTVT thành phố đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan Đăng kiểm kiểm tra, đánh giá tổng thể điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện để trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Xem thêm video:
Còn tại Văn bản số 8817 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Quốc ký cũng nêu: Thực tế hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm tuyến Vũng Tàu - TP.HCM đã được thực hiện gần 20 năm, với hàng chục triệu lượt khách được vận chuyển an toàn, chưa xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào. Tàu cao tốc cánh ngầm có tính an toàn cao, chất lượng phục vụ tốt, góp phần phát triển du lịch của hai địa phương cũng như chia sẻ gánh nặng vận tải hành khách cho các phương thức vận tải khác. Để đảm bảo ATGT, nâng cao chất lượng phục vụ, hai hãng tàu đã phải đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng cho đội tàu rất lớn, với phần vỏ tàu đã được nâng cấp mới, máy chính cũng đã được thay mới…
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ GTVT có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc gia hạn sử dụng cho đội tàu cánh ngầm (bốn chiếc) của hai hãng tàu nói trên được phép tiếp tục khai thác đến 31/12/2020. Khi được Thủ tướng chấp thuận, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm phối hợp với UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương có liên quan hướng dẫn hai đơn vị vận tải triển khai việc vận chuyển hành khách trên tuyến theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo ATGT, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận